Đóng BHXH 15 năm, NLĐ có thể hưởng lương hưu

Lâu nay, chính sách BHXH vẫn chưa hấp dẫn nên tỷ lệ lao động tham gia thấp. Diện bao phủ BHXH trong toàn tỉnh còn ở mức thấp, mới đạt khoảng 30% lực lượng lao động. Nhiều lao động muốn có cuộc sống ổn định khi về già nhưng lại không yên tâm khi tham gia BHXH tự nguyện. Các chế độ BHXH còn chưa đa dạng và linh hoạt; hồ sơ, thủ tục tham gia BHXH chưa thuận lợi cho doanh nghiệp, người lao động. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp quá chú trọng đến giải quyết hậu quả, thiếu giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động của tình trạng thất nghiệp. Quỹ Bảo hiểm xã hội vẫn tiềm ẩn nguy cơ về mất cân đối trong trung và dài hạn, nhất là trong bối cảnh về già hóa dân số.

Thu nhập của người dân thường rất đa dạng, có người thu nhập thấp, trung bình, nhưng có người thu nhập rất cao. Tuy nhiên lâu nay, chỉ duy trì BHXH cơ bản, tức là người lao động có tiền lương, đóng BHXH trên nền tiền lương đó với mức trần nhất định. Đây là hình thức BHXH đơn tầng, chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người lao động trong xã hội. Vì vậy, đề án thiết kế hệ thống BHXH đa tầng nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân khi đang làm việc và về hưu được dư luận quan tâm.

Ông Hoàng Trọng Chính, Phó Giám đốc BHXH tỉnh, giải thích: “Đề án thiết kế chính sách BHXH đa tầng, hướng tới phổ cập BHXH toàn dân, tuân thủ nguyên tắc đóng- hưởng và chia sẻ rủi ro. Với 3 tầng chủ yếu, gồm: Tầng an sinh - do Nhà nước đóng cho các đối tượng chính sách để đảm bảo lương hưu xã hội; tầng thứ hai là BHXH bắt buộc, áp dụng với những người lao động; tầng thứ ba là BHXH bổ sung - thực hiện theo nguyên tắc thị trường và tạo điều kiện cho người lao động, chủ sử dụng lao động đóng thêm để hưởng lương hưu cao hơn”.

Luật BHXH đang quy định người lao động có thời gian đóng BHXH 20 năm sẽ được hưởng lương hưu. Tuy nhiên, có những người đã tham gia 10 hoặc 15 năm nhưng không có khả năng tiếp tục tham gia đóng BHXH sẽ không được hưởng chế độ lương hưu khiến họ thiệt thòi. Tại nhiều buổi tiếp xúc cử tri trên địa bàn TP. Huế, nhiều ý kiến cho rằng, cần rút ngắn điều kiện thời gian tham gia BHXH để lao động được hưởng lương hưu; người ở độ tuổi trung niên (45 - 50 tuổi) mới tham gia BHXH có thể hưởng chế độ hưu trí, không phụ thuộc và ngân sách Nhà nước.

Trong lần cải cách chính sách BHXH lần này, Bộ Lao động, Thương binh – Xã hội đang tính toán theo lộ trình, trước mắt có thể giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm đủ điều kiện hưởng lương hưu; sau khi áp dụng, sẽ tiếp tục tính toán phương án có thể giảm xuống mốc 10 năm đóng BHXH. Nguyên tắc đóng - hưởng vẫn được duy trì (đóng ít hưởng ít, đóng ngắn hưởng ngắn).

Lâu nay, BHXH Việt Nam thực hiện nguyên tắc đóng - hưởng và chia sẻ, nhưng chia sẻ mới thực hiện rõ nét với BHXH ngắn hạn. Riêng chính sách lương hưu lại quá chú trọng nguyên tắc đóng - hưởng; tức là, đóng cao - hưởng cao tuyệt đối, còn chưa thể hiện rõ sự chia sẻ trong thiết kế chính sách cho hưu trí. Thế nên 64% người hưởng lương hưu có mức lương hưu thấp hơn mức bình quân (khoảng 4,5 triệu/tháng). Khoảng cách giữa những người hưởng mức lương hưu cao và thấp ngày càng lớn dẫn đến những bất hợp lý khó chấp nhận, có người hưởng lương hưu tới 100 triệu đồng/tháng, nhưng có người chỉ nhận được hơn một triệu đồng/tháng.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa, cán bộ hưu trí phường Phước Vĩnh (TP. Huế), cho rằng: “Tôi thấy đề án cải cách chính sách BHXH lần này thiết kế theo hướng kết hợp hài hoà giữa nguyên tắc đóng - hưởng và nguyên tắc chia sẻ là phương án hợp lý trong chính sách hưu trí. Đầu tiên là chia sẻ giữa nam và nữ, giữa người tham gia dài và người tham gia thời gian ngắn, giữa người có mức đóng cao do được đào tạo tốt hơn thì chia sẻ với người có mức lương hưu thấp. Người lao động đóng cao vẫn hưởng mức cao một cách tương đối, chứ không phải đóng cao hưởng cao tuyệt đối như hiện nay”. Đồng thời, nếu người lao động nghỉ việc và rút BHXH một lần, sẽ chỉ được rút phần tiền mình đóng góp, còn phần doanh nghiệp đóng góp, hoặc Nhà nước hỗ trợ sẽ không được hưởng, số tiền này sẽ được đưa vào quỹ chung.

Dự thảo Đề án cải cách chính sách BHXH đặt ra vấn đề điều chỉnh tuổi hưu, thời gian điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu từ ngày 1/1/2021. Cụ thể, người lao động bình thường, trong điều kiện lao động bình thường sẽ tăng thêm mỗi năm 3 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Trước dự thảo này, ý kiến của nhiều người cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu cần cân nhắc trên nhiều yếu tố; trong đó, có tuổi thọ của người Việt, điều kiện kinh tế - xã hội, nhân lực, năng suất lao động, bình đẳng giới, cân đối quỹ bảo hiểm xã hội …thì chính sách mới đi vào cuộc sống.

Bài, ảnh: Huế Thu