Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh nhận phụng dưỡng mẹ Cầu suốt đời

Trong ngôi nhà tình nghĩa, mẹ Cầu ngồi đó, mái tóc bạc trắng. Bước sang tuổi 93, sức khỏe mẹ đã yếu đi nhiều. Nhớ đến người chồng và hai người con đã hy sinh, đôi mắt của mẹ chợt ngấn nước.

Mẹ bảo, hình ảnh về người chồng, những đứa con chịu thương, chịu khó mãi mãi luôn ở trong trái tim của mẹ. Thời đó, cả nước ra trận, chồng và các con trai mẹ tình nguyện lên đường nhập ngũ là lẽ đương nhiên. Lần lượt tiễn chồng và con ra trận, mẹ không hề rơi nước mắt, chỉ đến khi về nhà, bao dồn nén của cuộc chia ly mới thực sự vỡ òa.

Không biết bao lần, mẹ Cầu đứng ở đầu ngõ trông về phương xa chờ tin chồng, lắng nghe tin con. Thế rồi, những bức thư của chồng và các con thưa dần rồi bặt vô âm tín. Để rồi một ngày, mẹ bàng hoàng khi nhận được những tờ giấy báo tử...

“Mẹ sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo. Từ nhỏ, mẹ đã nếm trải cảnh sống cơ cực của chế độ thực dân phong kiến. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ trở nên ác liệt, mẹ động viên chồng và hai người con trai lên đường bảo vệ Tổ quốc. Những người thân yêu nhất của mẹ đã hăng hái ra đi nhưng lại mãi mãi không về”, MVNAH Nguyễn Thị Cầu kể trong bùi ngùi.

Mẹ Cầu có chồng là ông Đặng Văn Mới (sinh năm 1922), là Thượng sĩ Công an, nhập ngũ tháng 1/1966 và anh dũng hy sinh vào ngày 2/9/1970. Hai con trai là Đặng Văn Thuần (sinh năm 1948) và Đặng Văn Mộc (sinh năm 1950) cùng hy sinh vào năm 1968.

“Ba mẹ tôi có tất cả 10 người con. Thấy ba thoát ly tham gia cách mạng, lại được sự động viên của mẹ, nên hai anh trai là Đặng Văn Thuần và Đặng Văn Mộc cũng không do dự, lên đường bảo vệ Tổ quốc. Mùa Xuân năm 1968, trong lúc làm nhiệm vụ cách mạng tại địa bàn huyện Phong Điền, cả hai anh đã hy sinh”, ông Đặng Văn Xuân - con trai của mẹ Cầu trò chuyện.

Hiện mẹ Cầu đang ở với vợ chồng người con trai kế út Đặng Văn Xuân (sinh năm 1965) trong ngôi nhà cấp 4 ở vùng quê ven biển Điền Hòa. Ông Xuân tâm sự: “Vợ chồng tôi suốt ngày chân lấm, tay bùn. Tuy cuộc sống vẫn còn những khó khăn nhất định, nhưng chúng tôi rất tự hào khi được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có bề dày truyền thống cách mạng, quê hương Điền Hòa anh hùng. Ba, mẹ và các anh của tôi là những tấm gương mẫu mực, tiêu biểu để chúng tôi học tập, noi theo”.

Thiếu tá Nguyễn Thị Xuân Huệ, Phó Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh cho biết, thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của mẹ Nguyễn Thị Cầu, nên từ năm 1995, đơn vị đã nhận phụng dưỡng mẹ.“Mới đây, khi đến thăm, mẹ hơi mệt, nhưng mẹ cũng gắng ngồi dậy để nói chuyện, đọc thơ cho chúng tôi nghe. Mẹ luôn nhớ đến những kỷ niệm trong từng chuyến viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và những lúc được gặp gỡ, trò chuyện với lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước ở Hà Nội do Công an tỉnh tổ chức”, Thiếu tá Nguyễn Thị Xuân Huệ kể.

Cuộc đời mẹ Nguyễn Thị Cầu là tấm gương sáng về đức hy sinh, lòng tận tụy với sự nghiệp cách mạng. Ghi nhận sự cống hiến lớn lao của mẹ Nguyễn Thị Cầu, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba và Huân chương Độc lập. Ngày 27/8/1995, Mẹ Nguyễn Thị Cầu được phong tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Bài, ảnh: Anh Phong