Muốn hiểu biết thêm về kiến thức y học, để có thể vận dụng trong cuộc sống, em thi đỗ và theo học tại Trường cao đẳng Y tế Huế. Vừa chăm con, vừa đi học nên em phải thuê nhân viên bán hàng. Không ít người ngạc nhiên, thậm chí bảo em “dại” vì thuê một bà mẹ trẻ, mang theo con nhỏ khi đến làm việc tại cửa hàng. “Lỡ” với người yêu (lúc đó cũng đang là sinh viên năm cuối), nên cặp đôi phải cưới sớm. Sau khi ra trường cô gái này sinh con, chăm con nên đâu có cơ hội tìm kiếm việc làm đúng ngành học. “Biết là em nó vừa trông con, vừa bán hàng thì không thể chăm chút công việc, thể nào chất lượng công việc cũng bị ảnh hưởng. Nhưng nếu không ai tạo cơ hội, điều kiện thì những người trong tình cảnh như em ấy sẽ rất khó kiếm tiền mưu sinh. Ban đầu nhiều khách hàng cũng kêu ca lắm, nhưng nghe em giải thích lý do và “nhờ vả” nên các chị đã cảm thông. Với lại, thái độ của em ấy hòa nhã, vui vẻ, lễ phép, nên sau rồi khách hàng cũng khá hài lòng. Em ấy làm tốt, em có thưởng thêm ngoài tiền lương, nên em ấy rất cố gắng”. Em cười hiền.

Hàng xóm của em là đôi vợ chồng trẻ (tầm tuổi với em) có 3 con nhỏ. Kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào số tiền mà người chồng đi làm thợ nề. Người vợ vừa chăm con, vừa làm ít bánh bột lọc bán ngay đầu ngõ xóm, kiếm thêm chút ít phụ chồng. Năm vừa rồi, người chồng bị tai nạn, sức khỏe sa sút, không thể lao động nặng. Gia đình rơi vào túng quẫn. Em bảo người vợ mạnh dạn làm bánh, vừa bán đầu ngõ, em vừa đăng trên facebook (em có nhiều bạn bè facebook lắm) giới thiệu giúp cho. Bánh ngon, ắt sẽ hấp dẫn khách hàng.

Thời gian đầu cô hàng xóm làm bánh, ngày nào tủ lạnh nhà em lúc nào cũng “thu nhận” lúc 100, khi 50 chục bánh sống. “Em biết thời gian đầu bao giờ cũng gặp khó khăn nên dặn bạn hàng xóm vừa làm bánh chín, vừa để bánh sống. Em nói với bạn có khách hàng muốn tự hấp bánh, nhưng thực ra số bánh sống ấy em lấy rồi cất lại. Đến lúc tủ lạnh đầy, em đóng thùng gửi xe vào TP. Hồ Chí Minh để chồng làm quà cho mọi người. Mẹ em bảo, sao không mang tiền sang hỗ trợ cho “gọn lẹ”. Mua bánh làm chi. Thực ra, em đủ khả năng giúp bạn ấy ngày dăm chục, một trăm trong một thời gian. Nhưng điều bạn ấy cần là niềm tin và động lực để tiếp tục công việc, tự tay kiếm ra tiền. Mỗi khi thấy ánh mắt đầy phấn chấn của bạn ấy lúc nhận tiền bán bánh, em tin việc mình làm là đúng. Quả thực, bạn ấy ngày càng cố gắng chăm chút tay nghề. Bánh càng lúc càng ngon hơn, khách hàng quen đã rất nhiều. Có số điện thoại của bạn ấy rồi, họ trực tiếp đặt hàng luôn, đồng thời tiếp tục giới thiệu đến người quen bạn bè. Bây giờ chồng bạn ấy cùng phụ vợ mới kịp đơn hàng cho khách. Kinh tế gia đình bạn ấy dần ổn định, không đáng lo ngại nữa. Em cũng thôi “bí mật” mua bánh”- Em lại cười hiền.

Tôi thấy mình thật may mắn vì đã quen biết em, một phụ nữ có trái tim vô cùng ngọt ngào, ấm áp. Trong cuộc sống tất bật đầy những bon chen, em sẵn lòng “lao tâm khổ tứ” để đem đến cơ hội và động lực cho những người kém may mắn vươn lên. Tôi kể lại câu chuyện này với niềm tin, hành động ấm áp của em sẽ góp phần truyền cảm hứng, để mọi người sống có ý nghĩa, đẹp hơn…

Quỳnh Anh