Đối với dân trong làng, ngôi mộ rất linh thiêng. Chị Nguyễn Thị Hiền dẫn chúng tôi đến ngôi mộ cổ và chỉ từng viên gạch lép nay đã ngả màu rêu phong. Điều đặc biệt cây si cổ thụ đã trải qua bao trận bão táp và chiến tranh tàn khốc nhưng nó vẫn xanh tươi như một vật linh thiêng che chở cho ngôi mộ.
Cầu ngói Thanh Toàn thơ mộng bên dòng sông Như Ý |
Đi tìm câu trả lời về ngôi mộ Bà, chúng tôi tìm đến cụ Nguyễn Thị Thí (90 tuổi) ở số nhà 225/3 đường Nguyễn Sinh Cung, TP Huế là hậu duệ của bà Trần Thị Đạo. Chính cụ là người đã trùng tu lại ngôi mộ Bà hơn 10 năm trước. Cụ cho biết: “Khi còn nhỏ, tôi đã được ba kể lại những câu chuyện về công lao to lớn của Ngài. Trước khi ba mẹ mất, họ dặn dò tôi phải chăm lo chu đáo cho phần mộ của Ngài cẩn thận. Một tháng dù bận mấy tôi cũng xuống quét dọn và dâng hương lên Ngài vào mùng một và rằm”.
Ngôi mộ cổ còn nhiều hoài nghi có phải là nơi an nghỉ của phu nhân Trần Thị Đạo? |
Ông Trần Duy Chiến ở xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy cho biết: “Mới đây, làng chúng tôi đã họp về vấn đề ngôi mộ ở làng Chiết Bi, Phú Thượng có phải là nơi an nghỉ của phu nhân Trần Thị Đạo hay không. Trong làng đã tranh cãi và đưa ra nhiều quan điểm khác nhau. Nhiều cao niên trong làng đã tới ngôi mộ để tìm hiểu sự thật nhưng vẫn chưa có kết luận. Việc xác minh danh tính ngôi mộ cổ đó không thể làm trong một sớm một chiều…”
|
Cụ Thí cũng kể thêm: “Tôi nghe những bậc cao niên trong họ kể lại, trước khi mất, Ngài chỉ muốn được về chính nơi đã sinh ra mình. Nên dân làng đã tổ chức tang lễ cho ngài theo nghi lễ “lệ làng” là gánh quan tài đi quanh làng một vòng rồi mới hạ huyệt để chôn cất. Và hàng năm cứ vào dịp rằm tháng tám âm lịch là ngày kị Ngài. Ở dưới cầu ngói Thanh Toàn lại tổ chức tế lễ liêng đình để tưởng nhớ công lao to lớn của ngài”.
Hằng năm, đến rằm tháng tám âm lịch là ngày kị của bà Trần Thị Đạo, con cháu trong làng đều có mặt đông đủ. Ông Trần Duy Chiến (63 tuổi) ở xóm 4, Thanh Toàn, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy cho biết: “Nghi lễ cúng bái bà Trần Thị Đạo được người dân tổ chức rất thành kính và liêng thiêng. Trước khi diễn ra lễ chính thì trước một ngày cúng trầu rượu mời bà về (tức là lễ Yết). Đến ngày lễ chính thì có 13 tộc trưởng, 5 xóm trưởng và các bô lão trong làng làm nghi lễ cúng heo và xôi. Sau đó bà con tổ chức đua ghe bên dòng sông Như Ý, người về xem chật kín”
Đem những thắc mắc về thực hư ngôi mộ cổ có tên mộ Bà đến diện kiến nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh, ông cho biết: “Đây là một lăng cổ bởi những dấu tích của nó vẫn còn lưu giữ. Như những viên gạch lép có phổ biến từ triều đại nhà Nguyễn, cây cổ thụ ôm trọn ngôi mộ ít nhất cũng đã 1.500 tuổi”.
Để có câu trả lời xác đáng, cần sự vào cuộc của các nhà nghiên cứu về văn hóa cũng như khảo cổ học nhằm phục dựng lại lăng mộ một cách quy mô đối với những người đã có công với quê hương. Đó cũng chính là trăn trở của nhà Nghiên cứu Trần Đại Vinh: “Phải tiến hành nghiên cứu qua các mẫu gạch, cây cổ thụ. Quan trọng hơn là tìm những văn bản, chứng từ liên quan đến sự lưu trú của bà Trần Thị Đạo…”.