Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương bị cách chức tất cả các chức vụ đã giữ trước đó. Lúc đó, nhiều người thắc mắc về án kỷ luật cách chức, cho rằng đã nghỉ hưu rồi “có chức đâu mà cách”. Nhưng đó là một hình thức kỷ luật trong Đảng, họ không còn được mang danh chức vụ trước đó, mất hết danh dự, chế độ đãi ngộ… Liên tiếp sau đó, hàng loạt cán bộ cấp cao bị kỷ luật trong Đảng và chính quyền. Nhiều trường hợp bị khởi tố, bắt giam và đưa ra xét xử, trong đó có những người từng là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội, Bí thư, Chủ tịch cấp tỉnh, Chủ tịch, Tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế lớn. Ngay trong lực lượng Công an, người ta vẫn cho là “bất khả xâm phạm” thì có vị là Trung tướng, Thiếu tướng và một số cấp Tá cũng đã bị khởi tố bắt giam khi vi phạm luật. Ông cha ta đã đúc kết: “Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”. Hai vị nguyên là Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng từ những nhiệm kỳ trước cùng với một số cán bộ cấp cao đã bị khởi tố là một ví dụ.

Có thể nói, những gì đã diễn ra thời gian qua về xử lý cán bộ thể hiện quan điểm của Đảng ta là “không có vùng cấm”, “mọi người bình đẳng trước pháp luật”. Quan điểm này làm tiền đề khắc phục những mặt tiêu cực trong căn bệnh “tư duy nhiệm kỳ”, buông lỏng rèn luyện phẩm chất đạo đức. Những người có suy nghĩ và mưu toan lợi dụng thời gian gần nghỉ hưu để thu vén cho bản thân, cho người thân chắc chắn sẽ phải chùn tay…

Ngày 15/11/2017, Trung ương đã ban hành Quy định 102- QĐ/TW “Quy định về kỷ luật đảng viên vi phạm”. Quy định này chỉ rõ những hành vi nào là vi phạm và mức độ phải xử lý kỷ luật đối với những hành vi cụ thể. Điểm mới quan trọng nhất đó là: “Đảng viên khi chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện vi phạm vẫn phải xem xét kết luận. Nếu đến mức phải thi hành kỷ luật thì phải kỷ luật theo quy định của Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước…”(Điều 1). Nguyên tắc được quán triệt đó là: “Vi phạm kỷ luật của Đảng phải được xem xét xử lý kỷ luật nghiêm minh”, “Vi phạm đến mức phải truy trách nhiệm hình sự thì truy cứu trách nhiệm hình sự". Điểm mới lần này cũng chỉ rõ kỷ luật cả những đảng viên đã mất (chết) nếu “vi phạm kỷ luật đặc biệt nghiêm trọng”, thể hiện tính nghiêm minh, không phân biệt đối xử trong quan điểm xử lý vi phạm với hành vi có ảnh hưởng lớn đến uy tín của Đảng. Với quy định nêu trên thì những trường hợp nghỉ việc, chuyển công tác hay nghỉ hưu… không thể “phủi tay” đổ trách nhiệm cho người khác, lại càng không được để lại hậu quả xấu cho người kế nhiệm phải giải quyết, không được thoái thác trách nhiệm.

Những vụ án hình sự, những bản án kỷ luật được thực hiện trong thời gian qua tạo được niềm tin trong các tầng lớp nhân dân. Đây chính là thước đo quan trọng nhằm củng cố thêm vai trò lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn hiện nay.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH