Quan chức của LHQ và quan chức cấp cao Chính phủ Congo đánh giá phản ứng đối với đợt bùng phát Ebola trước đó. Ảnh: MONUSCO
Theo đó, các trường hợp nhiễm Ebola mới được xác định vào ngày 8/5 ở một vùng xa xôi phía tây bắc của nước này, gần thị trấn Bikoro.
Trong một tuyên bố, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định 2 mẫu dương tính trong tổng cộng 5 mẫu thử nghiệm đến từ cơ sở y tế Iponge, gần Bikoro.
"Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là để Bikoro làm việc cùng Chính phủ và các đối tác, nhằm giảm thiểu tử vong và thiệt hại liên quan đến đợt bùng phát dịch bệnh Ebola mới này. Làm việc với các đối tác và đáp ứng sớm và theo cách phối hợp sẽ đóng vai trò rất quan trọng để kiềm chế dịch bệnh chết người này", ông Peter Salama, Phó Tổng giám đốc WHO về phòng ngừa và ứng phó tình trạng khẩn cấp cho biết.
Ngoài ra, WHO sẽ áp dụng chiến lược mà cơ quan này đã triển khai thành công sau đợt bùng phát dịch Ebola tương tự hồi năm ngoái, bao gồm cảnh báo kịp thời bởi chính quyền địa phương khi các trường hợp nhiễm bệnh mới xuất hiện; kiểm tra nhanh chóng, thông báo ngay lập tức kết quả và phản ứng nhanh chóng của chính quyền địa phương và quốc gia cùng với các đối tác quốc tế.
Bên cạnh đó, một nhóm các chuyên gia đa ngành từ WHO, Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) và Chính phủ được triển khai đến Bikoro để phối hợp và tăng cường phản ứng.
Ông Matshidiso Moeti, Giám đốc khu vực châu Phi của WHO nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phối hợp mạnh mẽ ngay từ đầu. "Chúng tôi sẽ làm việc chặt chẽ với các cơ quan y tế và đối tác để hỗ trợ những phản ứng quốc gia", ông Matshidiso nói thêm.
WHO cũng điều động các nhân viên và nguồn lực để giải quyết dịch bệnh, đồng thời đưa ra khoảng 1 triệu USD từ quỹ dự phòng khẩn cấp để hỗ trợ các nỗ lực trong 3 tháng tới và ngăn chặn căn bệnh này lan rộng.
Thanh Ngân (Lược dịch từ UN News)