Mùa bóng 2014 mới, “nhờ” Xuân Thành Sài Gòn bỏ cuộc, Kiên Giang không phải trở lại hạng Nhất. Cùng với 3 đội Quảng Nam, Quảng Ninh và An Giang giành vé lên hạng, V-League 2014 vẫn đảm bảo về số lượng 14 đội. Nhưng, một giải đấu được xem là thành công khi nó phải đảm bảo về chất lượng. Và chất lượng không chỉ ở chuyện các đội bóng chơi hay, cầu thủ đá giỏi mà nó còn liên quan đến vô vàn các công tác bên ngoài sân cỏ.

 
Nếu xuống hạng Ba, SVĐ Tự Do lại càng trống vắng. Ảnh: VĐN

Mùa bóng 2013, sự thiếu chuyên nghiệp trong cung cách tổ chức trận đấu, an ninh -an toàn, chất lượng mặt sân... của các CLB đầy rẫy. Sự thiếu chuyên nghiệp về ý thức của nhiều HLV, cầu thủ trong cách ứng xử với trọng tài, đối thủ và cả khán giả hay những yếu kém về tinh thần thi đấu, có biểu hiện tiêu cực... xuất hiện nhan nhản trên các mặt báo có chuyên mục, chuyên trang thể thao.

Trước mùa giải mới, BTC “có hứa” sẽ rà soát lại công tác tổ chức, điều hành, tình hình tài chính... nhằm sửa sai những tồn tại của mùa giải trước, tránh nguy cơ xuất hiện thêm trường hợp, như của Xuân Thành Sài Gòn, Kiên Giang, Đồng Nai...

Theo quy định của LĐBĐ Việt Nam, nếu đội lên hạng không đăng ký tham gia giải chuyên nghiệp hay đăng ký mà bỏ cuộc sẽ bị đánh rớt xuống hạng Ba cộng với khoản phạt từ 100 đến 300 triệu đồng.

Nhưng nói là nói vậy, còn thực hiện được hay không là chuyện khác bởi ngay chính BTC cũng đang đau đầu vì vẫn chưa chọn ra được ai làm trưởng giải sau khi ông Trần Duy Ly từ chức. Còn công tác “nâng chất” trọng tài – vị trí cũng gây ra không ít điều tiếng ở mùa bóng này – cũng khó được như ý bởi 2 ông vua của “những ông vua áo đen” là Dương Vũ Lâm và Đoàn Phú Tấn đang được cho “nghỉ ngơi”.

Từ V-League nhìn sang hạng Nhất, thấy giải đấu này có phần ổn định hơn, ít điều tiếng hơn. Tuy nhiên, với cá nhân đội bóng đá Huế, mọi chuyện không suôn sẻ.

Bóng đá Huế nghèo thì ai cũng biết. Nhưng nghèo không có nghĩa là không đủ tiền “cho con ăn học”. Vậy mà cơ chế đang khiến đôi chân các cầu thủ như đeo chì, còn người hâm mộ cứ như ngồi trên đống lửa. Tất nhiên, chả thể trách được lãnh đạo tỉnh bởi cơ chế không cho phép đội bóng sử dụng tiền từ ngân sách một khi lên chuyên nghiệp. Nhưng để tìm hướng khác như kêu gọi tài trợ, giao đội bóng cho doanh nghiệp... thì đào đâu ra?

Ngày 18/10, BTC giải sẽ vào Huế kiểm tra cơ sở vật chất, tình hình tài chính... để đảm bảo Huế đáp ứng đủ mọi điều kiện mà một đội bóng chơi tại giải chuyên nghiệp cần phải có. Về cơ sở vật chất, lực lượng... Huế không có gì phải lo, phải bàn. Nhưng về chủ trương có đăng ký tham gia hay không thì còn phải chờ bởi, trừ chỉ đạo miệng ở cuộc họp trước đó thì cho đến nay, vẫn chưa có văn bản chính thức từ phía lãnh đạo tỉnh, trong khi hạn cuối đăng ký chỉ còn hơn nữa tháng (30/10), ông Đoàn Phùng - Trưởng đoàn bóng đá Huế lo âu.

Chưa kể, cứ cho Huế sẽ được góp mặt tại sân chơi hạng Nhất nhưng khi mọi chuyện theo kiểu “nước đến chân”, chỉ sợ kéo theo nhiều hệ lụy về kinh phí, lực lượng... - bài học cay đắng năm 2011 khiến Huế phải rớt xuống hạng Nhì, ông Phùng trầm ngâm.

Hàn Đăng