Chữa bệnh cứu người là nghĩa vụ thiêng liêng của thầy thuốc, và chỉ có thầy thuốc mới làm được; bởi việc chẩn đoán, điều trị đòi hỏi phương pháp và kỹ thuật cao, hết sức phức tạp. Người bệnh nói riêng và người dân nói chung không thể biết. Những bậc danh y ngày trước lấy đức làm trọng, bệnh giàu, bệnh nghèo đều đối xử như nhau; tại sao bây giờ nhiều trường hợp lại nặng về đồng tiền đến thế? Người dân đã bỏ tiền ra để khám, điều trị lại còn bị ăn chặn, ăn bớt! Nằm viện cũng có 2 loại, dịch vụ và không dịch vụ. Phòng dịch vụ thì chỉ tối đa 4 giường, có máy điều hòa, sạch sẽ; phòng không dịch vụ thì chen chúc, có khi cả hơn 10 bệnh nhân nằm chung một phòng; nhiều trường hợp thiếu giường phải nằm ghế bố, nằm trên sàn... Lại còn mỗi bước mỗi tiền. Ngoài viện phí, thuốc men phải đóng trước; người nhà bệnh nhân gửi xe, lên thang máy đều phải tiền, một lượt trả tiền một lượt, trăm lượt trả tiền trăm lượt.

 

Thuốc bảo hiểm y tế (BHYT) thì chỉ thanh toán vừa phải; những danh mục thuốc đắt tiền người nhà bệnh nhân phải đi mua ngoài(!) Ước tính đến cuối năm 2013 này, tỷ lệ bao phủ BHYT toàn quốc đạt khoảng 71%; song, nhiều người cả năm không tốn đến 1 viên thuốc của BHYT. Vậy sao những trường hợp không may bị đau ốm, tai nạn lại không được BHYT thanh toán sòng phẳng? Chúng tôi đã từng tranh cãi điều này với một vị trưởng khoa, trong một lần người thân nằm viện, được cho xuất viện về nhà điều trị. Song đơn thuốc điều trị tại nhà phải về nhà vị bác sĩ này lấy và mua thuốc tại chỗ luôn, với giá gần 4 triệu đồng (chưa kể những lần mua thuốc “ngoài” trước đó trong thời gian đang nằm điều trị tại bệnh viện), mặc dầu người thân tôi có BHYT đến trên 95%. Đã vậy, lại không có hóa đơn thuế? Tuy nhiên, cũng như tâm lý của người nhà bệnh nhân khác, chúng tôi không dám làm căng, bởi còn lo sợ người nhà mình không may trở lại điều trị tại khoa một lần nữa(!)

 

Nỗi lòng bệnh nhân và người nhà bệnh nhân thì quá nhiều, khó có thể nói hết. Đảng, Nhà nước và nhân dân cũng rất vui mừng trước những tiến bộ, thành tựu nổi bật của ngành y tế trong thời gian qua. Nhiều ca ghép thận, ghép gan, mổ tim... thành công đã mang lại sự sống cho hàng ngàn bệnh nhân. Nhiều vị y, bác sĩ đã không ngừng học tập, nghiên cứu, hết lòng tận tụy chăm sóc bệnh nhân. Bên cạnh đó vẫn còn “con sâu làm rầu nồi canh”; lợi dụng kẽ hở trong chủ trương xã hội hóa y tế để trục lợi. Cần giáo dục nâng cao y đức gắn với nâng cao nguồn thu nhập chính đáng cho những người hành nghề y, để xứng đáng với công sức học tập, nghiên cứu của họ; đồng thời, sẵn sàng đưa ra khỏi ngành những người có tài mà không có đức; nhằm trả lại môi trường trong sạch cho một cái nghề vốn cao quý xưa nay!

Tiểu Ca