Ông Nguyễn Tân

Các trường thường tổ chức những hoạt động gì để triển khai chương trình GDDS, thưa ông?

Tùy điều kiện của từng địa phương và đặc thù của từng bậc học, cấp học mà mỗi trường có một cách tổ chức phù hợp. Nhiều năm nay, các trường vẫn thường tổ chức GDDS cho học sinh qua hình thức CLB ca Huế, âm nhạc, nữ công gia chánh; tích hợp chủ đề liên môn trong chương trình chính khóa; đưa các em đến điểm di sản để dạy học và trải nghiệm thực tế; đố vui tìm hiểu về di sản; sân khấu hóa; hoặc tạo điều kiện để học sinh tham gia các hoạt động dành cho tuổi thơ tại các kỳ Festival Huế. Dù theo hình thức nào, các trường đều đồng thời kết hợp kiểm tra, đánh giá hiệu quả để thúc đẩy và phát huy tính chủ động trong tiếp nhận thông tin của học sinh. Nhiều trường đã chủ động ưu tiên phòng học bộ môn để giới thiệu cho học sinh nhiều thông tin hơn về ẩm thực Huế, ẩm thực cung đình Huế, hoặc dạy cho học sinh những kỹ năng cơ bản về ca Huế và một số nhạc cụ truyền thống.

Ông đánh giá thế nào về những kết quả GDDS của chúng ta hiện nay?

Thông qua các hoạt động dạy học về di sản văn hóa Huế, học sinh đã được cung cấp thêm nhiều kiến thức bổ ích về lịch sử, địa lý và văn hóa địa phương. Học sinh rất hào hứng khi tham gia các hoạt động tham quan, tìm hiểu về di sản. Tôi nhận thấy có nhiều em học sinh sau khi tham gia thực tế tại các điểm di sản đã có thể tự định hướng nghề nghiệp cho mình trong tương lai, nhất là những em học sinh yêu thích việc nghiên cứu, hoặc có năng khiếu về ngoại ngữ, yêu thích du lịch, ẩm thực, thiết kế thời trang, đồ họa, kiến trúc… Đây cũng là dấu hiệu rất tích cực. Những hoạt động GDDS cũng có tác động rất tích cực đến phong trào xây dựng môi trường học tập thân thiện, học sinh tích cực và phát triển văn hóa học đường. Mối quan hệ giữa các trường học với các cơ quan văn hóa cũng gắn bó và có sự phối hợp tốt hơn trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa.

Hào hứng tham quan Đại Nội. Ảnh: Bảo Minh

Có ý kiến cho rằng ngành giáo dục và đào tạo vẫn chưa nhiệt tình trong việc đưa học sinh đến khu di sản Huế dù đã có những chính sách thuận lợi. Ông nghĩ thế nào về điều đó?

Tôi nghĩ, nếu có sự hưởng ứng chưa nhiệt tình ở đây thì chỉ có thể do sự hạn chế về kinh phí mà thôi. Nếu những đơn vị ở thành phố hoặc vùng ngoại ô rất thuận lợi trong việc đi lại, di chuyển đến các điểm tham quan, thì với những trường ở các vùng xa, như: Phong Điền, Phú Lộc, Nam Đông và A Lưới lại là vấn đề lớn do còn phải tính đến kinh phí. Một số trường vận dụng từ nguồn chi thường xuyên của đơn vị, huy động nguồn xã hội hóa nhưng nguồn lực cũng có hạn nên ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả của các hoạt động. Do khó khăn về kinh phí, việc phối hợp đảm bảo an toàn cho các em học sinh bị hạn chế nên tâm lý của giáo viên cũng ngại để tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế sau bài học. Khắc phục khó khăn này, nhiều trường tổ chức hoạt động tìm hiểu di sản thông qua các chương trình chính khóa của các tiết giảng, hoặc tổ chức sinh hoạt ngoại khóa ngay tại trường.

Ngành giáo dục và đào tạo đã tạo điều kiện để các trường tổ chức các hoạt động GDDS như thế nào, thưa ông?

Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng và thiết thực, chúng tôi đã chỉ đạo các trường căn cứ tình hình thực tế để xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động dạy học phù hợp. Cùng với việc thông tin, phân tích những đặc điểm thuận lợi về chính sách ưu tiên của tỉnh, chủ trương của Bộ về tăng cường hoặt động trải nghiệm, ngành khuyến khích cán bộ, giáo viên và học sinh tổ chức nghiên cứu khoa học, viết sáng kiến kinh nghiệm, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả GDDS.

Chúng em thăm Đại Nội

Chúng tôi cũng biên soạn, tập huấn, hướng dẫn và triển khai sử dụng bộ tài liệu giáo dục địa phương đối với các môn học, đồng thời bố trí thời lượng cụ thể để thực hiện. Các trường hưởng ứng rất tốt. Tiếc rằng, một số trường đưa hoạt động vào kế hoạch từ đầu năm nhưng vì lý do kinh phí nên không đưa học sinh đến điểm di sản được, đó cũng là thiệt thòi cho các em.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, Thừa Thiên Huế cần xây dựng một chương trình GDDS riêng, phù hợp với thế mạnh di sản văn hóa của vùng đất. Ông nghĩ thế nào về vấn đề này?

Đó là một ý kiến xác đáng và chúng tôi cũng từng đề xuất. Theo tôi, việc này không khó nhưng chúng tôi cần có sự chỉ đạo cụ thể của UBND tỉnh để có cơ sở pháp lý và bố trí nguồn lực thực hiện; có thể Đề án giáo dục di sản cho ngành giáo dục nhưng cũng có thể đó là đề án của tỉnh về bảo tồn di sản văn hóa Huế, trong đó nhiệm vụ GDDS như là một tiểu đề án; trên cơ sở đó ngành giáo dục tổ chức thực hiện.

Rõ ràng, để GDDS được thực hiện đồng bộ và hiệu quả, chúng ta cần phải có chương trình, kế hoạch với nội dung và thời lượng cụ thể. Nhưng hiện nay việc đưa nội dung GDDS về di sản văn hóa Huế vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. Nội dung chương trình các môn học gắn với di sản vẫn chưa được đầu tư thích đáng. Thời lượng cụ thể cho nội dung cũng chưa được xác định, do vậy mức độ hiệu quả bài học cũng tùy thuộc vào từng trường, từng hoạt động cụ thể. Tôi nghĩ, công tác GDDS trong trường phổ thông sẽ được thực hiện có hiệu quả hơn nữa nếu có một đề án cụ thể.

Khi đó, chắc chắn các đơn vị cũng sẽ thuận lợi hơn khi tính toán kinh phí để thực hiện các hoạt động bổ trợ liên quan đến chương trình giáo dục di sản. Tôi tin rằng, khi có đề án này và được triển khai đại trà, nhận thức của cộng đồng về GDDS cũng sẽ được tác động tích cực, nhất là các bậc phụ huynh học sinh.

Đối với các đơn vị quản lý di sản, ông có kiến nghị gì để phối hợp GDDS tốt hơn?

Mặc dù đã có những chính sách cụ thể của tỉnh, nhưng chúng tôi mong rằng giữa ngành giáo dục và đào tạo và các cơ quan bảo vệ di sản văn hóa phối hợp chặt chẽ hơn nữa. Tôi có cảm giác, trong hoạt động của các đơn vị vẫn còn bỏ ngỏ, chưa chú trọng đến đối tượng giáo dục trong thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Việc đưa học sinh đến trải nghiệm thực tế tại điểm di sản hay việc tổ chức các diễn đàn, các hoạt động ngoại khóa về chủ đề di sản tại các trường học không phải là trách nhiệm của riêng ngành giáo dục và đào tạo. Để nâng cao chất lượng của những hoạt động GDDS tại điểm đến, các cơ quan quản lý cần có cơ chế phối hợp bằng cách bố trí chuyên gia, hướng dẫn viên để hỗ trợ các trường trong việc giới thiệu, dẫn dắt và giúp học sinh trải nghiệm, tìm hiểu di sản một cách thuận lợi nhất.

Xin cảm ơn ông!

Đồng Văn (thực hiện)