Hành lá mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân Hương An

Sau bao năm bôn ba, những người xa quê có dịp trở về không khỏi ngỡ ngàng trước sự “thay da đổi thịt” của Hương An hôm nay. Với màu xanh bạt ngàn của những cánh đồng hành “trăm triệu”, màu vàng mỡ màng của ruộng lúa, nhiều ngôi nhà mới được xây dựng khang trang đã dần đẩy lùi cái nghèo “đeo bám” Hương An những năm dài sau ngày thành lập. 

Đi trên những con đường rộng rãi, thoáng mát bằng bê tông, bác Trần Văn Thanh, người dân Hương An phấn khởi: “Ngày trước, đường sá trong các thôn, làng nhỏ hẹp, nhưng lên phường rồi thì phải mở rộng để đi lại thuận tiện và xứng tầm phường nội thị. Vì vậy, bà con ở các tổ dân phố đều sẵn sàng hiến đất, mở rộng đường xóm từ 2 lên 5,5m. Đất hiến rồi, tài sản trên đất đã tháo dỡ, sức người cũng sẵn sàng, chỉ còn chờ cơ chế hỗ trợ từ Nhà nước (xi măng, cát sạn) thì làm ngay. Khi đó bộ mặt phường sẽ đẹp và khang trang hơn”. 

Dựa vào lợi thế sẵn có (trong hơn 1.000 ha đất tự nhiên, có khoảng trên 450 ha đất nông nghiệp), phường Hương An xác định mục tiêu phát triển kinh tế theo hướng “dịch vụ - nông nghiệp- tiểu thủ công nghiệp”. Dấu ấn đáng nhớ để Hương An từng bước đổi thay, đó là giai đoạn 2005-2008, để thoát nghèo, lãnh đạo xã trăn trở tìm nhiều cách và chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển kinh tế là giải pháp được Đảng bộ, chính quyền lựa chọn. Thực tế chứng minh đây là hướng đi đúng.

Phó Chủ tịch UBND phường Hương An, ông Nguyễn Xuân Chớ kể: Từ chỗ độc canh cây lúa, bắt đầu từ năm 2005, những diện tích trồng lúa kém hiệu quả được chính quyền xã vận động người dân chuyển sang trồng hành lá và đưa vào nghị quyết để thực hiện. Đến nay, Hương An có 63 ha hành lá cho hiệu quả kinh tế cao, với giá trị 01 ha canh tác đạt 110- trên 300 triệu/năm; gấp 4-6 lần trồng lúa. Mỗi năm, Hương An cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh gần 1.700 tấn hành lá, trở thành “thủ phủ” hành lá của tỉnh.

Nhờ cây hành, nhiều hộ gia đình trong phường đã xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm phương tiện đi lại và trang thiết bị phục vụ sinh hoạt. Trên 90% nhà ở của nhân dân được xây dựng kiên cố và tầng hóa, 100% hộ gia đình có xe máy... chất lượng cuộc sống của người dân liên tục được nâng cao.

Trong câu chuyện, Bí thư Đảng ủy phường Hương An Nguyễn Chí Công đầy tự hào: Phường có truyền thống cách mạng, được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân”. 37 năm sau ngày Hương An thành tên xã (1981) theo Quyết định của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) và 6 năm sau ngày lên phường, tuy còn những khó khăn nhất định, nhưng từ Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân ai cũng quyết tâm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội bằng chính từ nỗ lực, cố gắng của mình.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, các tầng lớp Nhân dân đã đồng thuận, tự nguyện hiến hơn 7.185m2 đất, mở được 22 đường xóm với tổng chiều dài 4,7km, đóng góp hàng trăm ngày công, hàng ngàn cây xanh, cây ăn quả... để cùng với địa phương xây dựng các công trình phúc lợi. Trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa, các khu dân cư trên địa bàn đã ban hành quy ước, hương ước, triển khai thực hiện có hiệu quả nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; từng gia đình, cơ quan, đơn vị đã tích cực xây dựng văn hóa... Qua đó, đã không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống và làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của người dân.

Hương An đã và đang đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao và tìm đầu ra ổn định cho cây hành lá. Bước đầu, phường đã triển khai trồng hành theo hướng VietGap trên diện tích 17,4ha, đồng thời, tiếp tục khảo sát, lập quy hoạch những diện tích đất có thể chuyển đổi, dự kiến khoảng 7-10ha.

Bài, ảnh: Liên Minh