Đội bóng Hoàng Anh Gia Lai luôn có sức hút nhờ cách làm bóng đá chuyên nghiệp và vì người hâm mộ. Ảnh: Internet

Bóng đá miền Trung có những trận derby hấp dẫn và gay cấn. Sau ngày giải phóng 1975 là trận cầu không thể quên giữa Thừa Thiên Huế bên ni đèo Hải Vân và Quảng Nam – Đà Nẵng nằm về phía bên kia. Còn hiện nay, xem các cặp đấu Sông Lam Nghệ An – FLC Thanh Hóa, Sông Lam Nghệ An – SHB Đà Nẵng hay  SHB Đà Nẵng – Quảng Nam vẫn thấy đã con mắt, bởi cái chất lửa và tính ăn thua ngùn ngụt ở mỗi cầu thủ ra sân. Nó đúng nghĩa là những trận derby, không hề có sự nhân nhượng lẫn nhau.  

Nếu bóng đá miền Tây Nam bộ dễ dàng nhận ra bởi sự chân chất trong lối chơi mang đậm tính cách “Hai Lúa” thì bóng đá miền Trung không dễ nhận diện một cách đơn giản mà phức tạp hơn nhiều. Nó có đủ cả, từ máu lửa kiểu Sông Lam Nghệ An đến bài bản, quyết tâm cách tân để hơn người như Hoàng Anh Gia Lai hay khôn khéo, biết cách chờ đợi thời cơ dạng SHB Đà Nẵng và Sana Khánh Hòa BVN. Tuy nhiên, dù có đa dạng và phức tạp thế nào thì cũng phải thấy rằng, bóng đá đã là thứ ăn sâu và trở thành máu thịt của người miền Trung.

Chuyện bầu Đức làm bóng đá là ví dụ. Giàu như ông chủ Hoàng Anh Gia Lai đất nước này không thiếu nhưng bạo chi và tâm huyết dành bóng đá thì Đoàn Nguyên Đức là số 1. Gần đây, vì những chuyện này nọ không hay xảy ra trong bộ máy điều hành bóng đá quốc gia mà đã có lúc bầu Đức bảo không thèm chơi bóng đá nữa, lại còn tuyên bố cho những học trò cưng như Công Phượng bỏ bóng đá về nhà làm ruộng. Thế nhưng, ai cũng biết, còn lâu ông chủ doanh nghiệp này mới dứt từ được trái bóng tròn đã thấm vào máu, vào thịt.

Không còn nghi ngờ, Sông Lam Nghệ An đang là lò đào tạo số 1 của bóng đá Việt Nam trong hơn chục năm qua. Xem các đội tuyển Việt Nam thi đấu, trong đội hình cơ bản vẫn là cầu thủ xứ Nghệ và gần đây có thêm từ lò đào tạo Hoàng Anh Gia Lai. Trong bóng đá có 2 thái cực, một là sản sinh và đào tạo cầu thủ (như Braxin và các quốc gia Nam Mỹ) và hai là, thu hút các nhân tài từ các nơi đến (như nước Anh và châu Âu). Miền Trung có Sông Lam Nghệ An ở thái cực 1 và gần đây Quảng Nam nổi lên như một điểm đến thành công, nghĩa là kiểu gì cũng có.

Bóng đá miền Trung còn có rất nhiều địa phương như Thừa Thiên Huế, Bình Định, Lâm Đồng… chỉ cần giải quyết được vấn đề “tiền đâu” thì chuyện ngồi vào chiếu V. League là không quá khó. Nói vậy để thấy rằng, tiềm năng của bóng đá miền Trung là rất lớn nếu biết cách làm bóng đá năng động, không theo kiểu mở miệng là kêu khó.

ĐÌNH NAM