Buổi tối cũng không còn những lễ hội hay các chương trình nghệ thuật. Triển lãm và các trưng bày đóng cửa. Người dân Huế như tôi chẳng tìm được lý do để ra đường nữa. Không còn nhiều khách du lịch, thành phố trở nên vắng vẻ.
Lễ hội lớn chỉ có thể dành cho những dịp đặc biệt trong năm và festival là minh chứng. Các chương trình nghệ thuật gắn với các sân khấu cũng không phải lúc nào cũng sáng đèn. Vui chơi cũng có lúc phải nghỉ ngơi. Thế nhưng, mọi thứ đều kết thúc và cứ thế kéo dài trong năm đợi cho đến một kỳ Festival kế tiếp thì lại câu chuyện khác. Đó không phải là hình ảnh cần có của một thành phố du lịch, sống được và làm giàu nhờ vào phát triển du lịch.
Thái Lan không thiếu những danh thắng và di tích lịch sử nổi tiếng. Du lịch Thái cũng không hề dấu diếm mà luôn rộng mở để đưa du khách đến những nơi này. Thế nhưng, lấp đầy thời gian và điều đọng lại lớn nhất khi tham quan du lịch ở đất nước chùa vàng là các show diễn, từ những trò chơi nhỏ kiểu xem heo chạy đua đến các chương trình nghệ thuật như xiếc, biểu diễn của những người đồng tính và cả sexy show rất đặc trưng của du lịch Thái nữa. Người Thái còn mời cả đoàn nghệ thuật đến từ Hàn Quốc (Nata show) để biểu diễn tại thủ đô Bangkok và đưa vào tour cho khách du lịch cùng xem.
Đã có rất nhiều lễ hội, các show diễn trong các dịp Festival Huế. Qua các kỳ Festival Huế, người ta cũng đã phát hiện được nhiều sân khấu rất đặc sắc và mới lạ kiểu như sân khấu ở Phu Văn Lâu với đêm nhạc tưởng nhớ 17 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hay sân khấu của lễ hội “Âm vọng sông Hương” vào dịp Festival Huế 2018. Thế nhưng, điều mà mọi người chờ đợi là biến một vài lễ hội hay show diễn thành một sản phẩm du lịch có thể phục vụ du lịch thì lại vẫn chỉ là một khát khao.
Ghé thăm cung điện Hoàng gia Hàn Quốc ở thủ đô Seoul, điều hấp dẫn du khách không chỉ là đền đài cung điện nguy nga (được phục chế) mà đáng nói là không gian của những sân khấu nhỏ nằm rải rác trong khu vực cung điện. Ở đó có nghệ nhân và các nhạc công trong các trang phục cổ trang biểu diễn các loại binh khí, nhạc cụ truyền thống và hát những bài hát cổ xưa (kiểu nhã nhạc và ca Huế). Một vài giây phút dừng lại, vừa để nghỉ ngơi, vừa để thưởng thức và khám phá nghệ thuật mới lạ là điều cảm kích vô cùng.
Sau festival, là thành phố du lịch, Huế cần giữ lại ít nhiều không khí lễ hội, được xem là những sản phẩm du lịch. Nó có thể là một sân khấu âm nhạc ở Thương Bạc, cung An Định, Phu Văn Lâu, công viên Trịnh Công Sơn hay một lễ hội văn hóa (cung đình hoặc dân gian) theo một chu kỳ thời gian nhất định kiểu như Hội An đang làm. Nó có thể được thay thế và bổ sung tuy vào điều kiện hoàn cảnh cụ thể nhưng nhất thiết đừng để khách du lịch đến Huế đêm về ra ngẩn vào ngơ, chẳng biết có gì để xem. Đó là công việc của cộng đồng và các doanh nghiệp có nhiệm vụ phải đóng góp.
ĐAN DUY