Các lực lượng ở Phong Điền diễn tập PCCCR

Mới bắt đầu mùa nắng nóng nhưng nhiều cánh rừng trên địa bàn huyện Phong Điền đã có dấu hiệu ngả sang màu vàng, báo động tình trạng cháy rừng rất cao.

Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm địa bàn (TKLĐB) Sơn Quả thuộc Hạt KL Phong Điền, ông Trần Nguyên Vinh thông tin: Cùng lúc cán bộ KL địa bàn “gánh nặng hai vai” khi vừa bảo vệ các loài động vật hoang dã, gỗ quý vừa “canh lửa” cho rừng.

Khó khăn lớn đối với TKLĐB Sơn Quả nói riêng và ngành KL tỉnh nói chung là lực lượng quá mỏng, trong khi địa bàn quản lý rộng lớn, đồi núi quanh co, hiểm trở. Tính riêng TKLĐB Sơn Quả chỉ có 4 KL, phụ trách đến 50 ngàn ha rừng, bình quân mỗi người khoảng 13 ngàn ha. Các cán bộ và cả lãnh đạo trạm cũng phải túc trực, tuần tra thường xuyên, cả ngày lẫn đêm nhằm sớm phát hiện các dấu hiệu cháy rừng để có biện pháp ứng phó kịp thời. Các thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) cũng rất thô sơ, kể cả trang bị từ trước và mua sắm mới năm 2018 cũng chỉ có 12 bàn dập lửa, 3 máy thổi gió, 5 bộ đàm, 10 bình xịt nước loại vài chục lít/bình, vài cái rựa.

Ông Nguyễn Bá Thạo, Hạt trưởng Hạt KL Phong Điền cho biết: Lực lượng KL huyện chỉ vài chục người nhưng diện tích lâm nghiệp phải quản lý hơn 68.428ha, trong đó diện tích có rừng 53.278ha. Hầu hết những cánh rừng tự nhiên chủ yếu ở thượng nguồn sông Bồ, sông Ô Lâu và sông Mỹ Chánh với tính đa dạng sinh học cao, có nhiều loài động thực vật có giá trị bảo tồn. Diện tích rừng trồng toàn huyện tăng đáng kể qua các năm, chủ yếu cây keo, thông, phi lao và một số loài cây bản địa. Thực bì dưới tán rừng nhiều khu vực khá dày, nhiều lau lách, ràng ràng, tràm chổi dễ bắt lửa gây cháy lớn. Nhiều khu vực rừng trồng trước đây là căn cứ địa trong chiến tranh nên nhiều bom, đạn, linh tinh còn sót lại dễ phát nổ gây cháy rừng vào thời điểm nắng nóng.

Gian khó ở Phong Điền cũng là thực trạng chung đối với các địa phương trên địa bàn tỉnh trong công tác bảo vệ, PCCCR mùa nắng nóng. Ông Hoàng Văn Chúc, Hạt trưởng Hạt KL huyện Nam Đông cho hay: Mới đầu mùa nắng nóng nhưng nhiều cánh rừng ở La Hy, hay trên địa bàn các xã: Hương Phú, Hương Giang… có nguy cơ cháy rất cao. Lực lượng KL địa bàn tuần tra thường xuyên, cả ngày lẫn đêm, thông báo, vận động với các chủ rừng thu dọn thực bì, phát quang cây bụi, lá cành khô; khi phát hiện có dấu hiệu cháy rừng sẽ thông báo với các cấp, ngành và chủ động phối hợp với các lực lượng địa bàn, Nhân dân triển khai các biện pháp dập lửa, hạn chế đến mức thấp nhất có thể.

Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục KL tỉnh cho rằng, điểm mới năm nay là ngành KL tỉnh đã thành lập các đội bảo vệ rừng chuyên trách (BVRCT) ở các huyện A Lưới, Nam Đông, TX. Hương Trà, Hương Thủy… Các đội BVRCT, bình quân khoảng 20 thành viên/đội được trang bị đầy đủ các trang thiết bị, dụng cụ, nhân lực, có nhiệm vụ phối hợp với các địa phương, ban ngành tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ, PCCCR. Đây là một trong những điều kiện tăng cường lực lượng, trang thiết bị nhằm làm tốt công tác PCCCR mùa nắng nóng, cũng như bảo vệ hiệu quả nguồn gỗ quý, các loài động vật hoang dã.

"Toàn tỉnh có hơn 212 ngàn ha rừng tự nhiên và gần 71 ngàn ha rừng sản xuất (kinh tế), trong khi lực lượng KL chưa đầy 300 người. Quan điểm nhất quán đối với ngành KL tỉnh là luôn nỗ lực vượt qua nhằm bảo vệ an toàn cho rừng mùa nắng nóng. Riêng năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 6 vụ cháy rừng, thiệt hại 25,5 ha, giảm 1 vụ so với năm trước. Phấn đấu năm nay hạn chế mức thấp nhất các vụ cháy rừng và diện tích thiệt hại", Chi cục trưởng Chi cục KL tỉnh thông tin.

Bài, ảnh: Hoàng Triều