Sáng nay (12/5), Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII bế mạc sau 6 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Phát biểu bế mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Hội nghị Trung ương lần này đã thành công tốt đẹp.

Kiểm soát quyền lực; chống chạy chức, chạy quyền

Thay mặt Bộ Chính trị, phát biểu, làm rõ thêm một số vấn đề và khái quát lại những kết quả quan trọng đã đạt được, về xây dựng đội ngũ cán bộ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, trên cơ sở thảo luận kỹ lưỡng và sâu sắc Đề án và Tờ trình của Bộ Chính trị, Hội nghị đã nhất trí cao ban hành Nghị quyết của Trung ương về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030 và tầm nhìn trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 7 khoá XII

Nghị quyết Trung ương lần này đã kế thừa, bổ sung và phát triển Nghị quyết Trung ương 3 khoá VIII về Chiến lược cán bộ, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư từ đó đến nay với nhiều nội dung đổi mới quan trọng, có tính đột phá, khả thi và sát với tình hình thực tế.

“Điểm nhấn của Nghị quyết lần này là Trung ương yêu cầu phải có phương pháp đánh giá cán bộ một cách khách quan, chính xác; có cơ chế tạo động lực, đổi mới sáng tạo, rèn luyện qua thực tiễn có nhiều khó khăn, thách thức lớn của đội ngũ cán bộ và đề cao giải pháp kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, chủ nghĩa cá nhân, cục bộ địa phương, họ hàng trong công tác cán bộ; coi đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đấu tranh ngăn chặn sự tha hoá quyền lực trong bộ máy công quyền, sự suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên để củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta” – Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu xây dựng và hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực và chống tệ chạy chức, chạy quyền, thân quen, cánh hẩu, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế và quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm.

Phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, lạm dụng, lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho tệ chạy chức, chạy quyền.

Kiên quyết huỷ bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm, có hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ.

Cụ thể hoá để thực hiện có hiệu quả cơ chế dân biết, dân bàn, dân giám sát công tác cán bộ; mở rộng các hình thức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với từng đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị một cách phù hợp.

Ban Chấp hành Trung ương chỉ rõ, để thực hiện có kết quả Nghị quyết, từ trên xuống dưới, đều phải có quyết tâm rất lớn, có sự thống nhất rất cao, lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt, nói đi đôi với làm, làm cho Nghị quyết lần này thực sự đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến rõ rệt, thu được kết quả cụ thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân nhìn thấy được, cảm nhận được.

Nhiều điểm mới quan trọng về cải cách tiền lương

Tổng Bí thư cho biết, Hội nghị đã nhất trí ban hành Nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương nhằm sớm xây dựng hệ thống chính sách tiền lương quốc gia khoa học, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, tạo động lực giải phóng sức sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực; góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII bế mạc sau 6 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, cần phải kiên trì, kiên quyết triển khai thực hiện thắng lợi các nội dung cải cách đã được Hội nghị lần này đề ra với nhiều điểm mới quan trọng so với các lần cải cách trước đây.

Đối với khu vực công, thiết kế cơ cấu tiền lương và tiền thưởng mới với tỉ lệ hợp lý hơn giữa lương cơ bản, các khoản phụ cấp và bổ sung chế độ tiền thưởng. Xây dựng hệ thống bảng lương mới, quy định mức lương bằng số tiền tuyệt đối theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo trên cơ sở điều chỉnh tăng mức lương thấp nhất và mở rộng quan hệ tiền lương tiệm cận với khu vực thị trường... Sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành, bảo đảm tổng quỹ phụ cấp chiếm tỉ trọng tối đa 30% trong tổng quỹ lương.

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị được sử dụng quỹ tiền lương và kinh phí chi thường xuyên được giao hằng năm để thuê chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt; được sử dụng quỹ tiền thưởng để thưởng định kỳ cho cán bộ, công chức, viên chức gắn với kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành công việc. Cùng với đó là mở rộng thí điểm cơ chế áp dụng mức chi thu nhập tăng thêm đối với một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là ở vùng động lực. Thực hiện khoán quỹ lương cho các cơ quan, đơn vị. Bãi bỏ hệ số tiền lương tăng thêm đối với cán bộ, công chức thuộc các cơ quan đang thực hiện cơ chế tài chính đặc thù...

Theo Tổng Bí thư, cần khẩn trương xây dựng, hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm để làm cơ sở trả lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo. Quyết liệt thực hiện các giải pháp về tài chính, ngân sách, tinh giản tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp công lập để bảo đảm đủ nguồn cho cải cách tiền lương; bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước....

Về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Tổng Bí thư cho biết, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất cho rằng, trong thời gian tới, cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách để Bảo hiểm xã hội thực sự trở thành một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Từng bước mở rộng vững chắc tiến tới thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần quan trọng vào việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Phát triển hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc "đóng - hưởng", "công bằng", "bình đẳng", "chia sẻ" và "bền vững".

Nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trước nhân dân

Tại hội nghị lần này, Ban Chấp hành Trung ương đã nghiên cứu, thảo luận và cho ý kiến về Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2017. Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong thời gian tới cần tiếp tục phát huy những ưu điểm, kết quả đã đạt được trong thời gian qua, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt hơn, đồng bộ hơn với quyết tâm cao hơn để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra, tạo chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt, củng cố và tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng

Các đại biểu nhất trí với dự thảo nghị quyết

Tổng Bí thư nhấn mạnh, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thành công tốt đẹp. Kết quả của Hội nghị thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự đoàn kết thống nhất cao của Trung ương chắc chắn sẽ góp phần quan trọng vào việc củng cố, phát huy những kết quả, thành tích rất đáng trân trọng mà toàn Đảng, toàn dân ta đã nỗ lực phấn đấu đạt được trong nửa đầu của nhiệm kỳ khoá XII, góp phần tạo ra khí thế mới, xung lực mới cho sự nghiệp đổi mới đồng bộ và toàn diện, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phát triển đất nước nhanh và bền vững vì Tổ quốc Việt Nam yêu quý.

Tổng Bí thư đề nghị mỗi đồng chí Trung ương, trên từng cương vị công tác của mình, hãy nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và đất nước, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tổ chức thực hiện thật tốt các nghị quyết của Trung ương lần này, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Theo VOV