Đường về xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc) vào một ngày cuối tháng 9, chúng tôi chứng kiến 5-7 điểm buôn bán chim trời di động như, cò, cói, vạc… Được biết hàng năm cứ đến tháng 9, tháng 10 (âm lịch) là mùa chim cò, cói bay về đây trú mưa, bão. Người dân đã sử dụng lồng sập, lưới, bẫy dính, loa phát âm thanh… trung bình mỗi ngày một gia đình săn bắt 50-70 con, cung cấp cho các chợ, nhà hàng, hoặc đưa ra các trục đường chào bán cho khách qua lại.
Một điểm bán chim cò, vạc trên đường ra cảng Chân Mây
|
Một thanh niên ở thôn Cảnh Dương, xã Lộc Vĩnh cho biết, trước đây khi chim còn nhiều thì chỉ việc giăng lưới cá nhỏ lên cánh đồng là có thể bắt được. Vài năm nay, số lượng chim ít hơn nên nhiều người nghĩ ra cách thu âm tiếng các loài chim, cò, vạc, cuốc… để dụ chim đến. Họ giăng lưới ra giữa đồng, đặt con chim mồi ở giữa rồi bật băng thu âm. Chiếc loa âm thanh được giấu kỹ trong bụi cây. Những con chim khác nghe tiếng đồng loại kêu tưởng là an toàn liền sà xuống, khi đó lưới vây ụp là không chú chim nào thoát. Ngoài ra, một phương cách khác để bắt là người ta dùng lồng sập, nhốt chim mồi vào trong một ngăn rồi mở cửa lồng cho những con chim khác vào ăn. Chúng vừa vào là lúc cửa lồng sập xuống.
Một người bán chim cò, cói bên đường ra cảng Chân Mây mà mấy đứa trẻ trong vùng gọi là bà Lan giải thích, muốn bắt được chim, người đánh chim phải nắm được tập quán, thói quen của chim. Mùa này vừa thu hoạch lúa xong, rất thuận lợi cho việc bẫy chim ở các cánh đồng hoặc ở bãi sông, bụi rậm vì ở đó chim hay về nghỉ. Hỏi mỗi ngày dì bán bao nhiêu con, bà Lan trả lời: “Ngoài QL 1A qua xã Lộc Thuỷ bán nhiều lắm, còn ở đây đường vắng chỉ 50 con/ngày; giá 20 nghìn đồng/con”. Thế việc săn bắt chim có ai ngăn cản gì không?. “Là nghề kiếm sống, không thấy ai ngăn chặn; chưa thấy ai bị xử lý nên vẫn hành nghề”, bà Lan nói vô tư.
Qua trao đổi với nhiều người dân địa phương và một số khách vãng lai tại vùng kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, tôi nhận những câu trả lời, hành động và việc làm nêu trên của những người săn bắt chim hoang dã là đáng lên án. Việc làm đó gây mất cân bằng sinh thái, là một nguyên nhân phát sinh dịch hại trên cây trồng ở địa phương vì chim vốn là một loài thiên địch của sâu bọ gây hại trên cây trồng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc vi phạm hệ thống văn bản pháp luật của Nhà nước quy định về việc bảo vệ động vật hoang dã.
Chính quyền và ngành chức năng cần có biện pháp tuyên truyền, vận động, thuyết phục người làm nghề săn bắt chim chuyển đổi nghề khác để sinh sống. Mặt khác, cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những trường hợp cố tình hành nghề săn bắt chim sau khi đã được tuyên truyền, nhắc nhở.
Khánh Quan