Dạy bơi cho học sinh tiểu học Phú Mậu
Bớt nỗi lo
Sáng chủ nhật, chúng tôi theo cô giáo Nguyễn Thị Kim Huế, Hiệu trưởng Trường tiểu học (TH) Phú Mậu 1 (Phú Vang) đến một buổi học bơi dành cho học sinh khối 4. Trong “hồ bơi” dã chiến rộng khoảng 20m2, được tận dụng từ 1 bến nước ở thôn Mậu Tài, có gần 20 em, chia thành 2 nhóm đang chuẩn bị xuống nước. Tươi cười sau khi hoàn thành các động tác đạp nước, em Nguyễn Xuân Thắng, học sinh lớp 4/1 kể, mùa mưa mỗi khi đi học về nước lên cao là em rất sợ. Lúc nước lên cao, em phải ở lại trường để đợi bố mẹ đến đón. Em rất thích học bơi nên khi cô giáo thông báo có mở lớp, em xin phép bố mẹ đăng ký tham gia.
Phú Mậu là địa phương thấp trũng, khi lũ về, đa phần thầy và trò đến trường chủ yếu bằng xuồng, ghe... Hầu như, các em đều không biết bơi. Từ đó, trường chỉ đạo các giáo viên dạy thể dục phối hợp với phụ huynh, địa phương dạy bơi và các kỹ năng cứu đuối trên dòng nước mở để các em thích ứng với điều kiện thực tế.
Thầy giáo Trần Văn Phú, giáo viên phụ trách lớp bơi cho biết: Các em muốn biết bơi cần tham gia khoảng 18 buổi học. Dạy bơi ở vùng nước mở rất vất vả. Lúc nào, các thầy cô cũng phải đến sớm, từ cắm cọc, giăng lưới, làm vệ sinh vùng nước... Trung bình một buổi dạy bơi phải có ít nhất 4 giáo viên tham gia, 2 người trên bờ và 2 người dưới nước.
Xuất phát từ thực tế của địa phương và nhu cầu của phụ huynh, đã có nhiều lớp dạy bơi được mở như Trường TH Phú Mậu 1. Các trường TH Phú Diên, Phú Hải, Phú Thuận, Thuận An dựa vào đầm phá, biển; Lộc Trì, Thượng Quảng dựa vào đập thủy điện; Quảng Thành, Lăng Cô dựa vào sông để dạy bơi cho các em học sinh khối lớp 4, 5.
Cần chung sức
Năm học 2017 – 2018, toàn tỉnh có 226 điểm trường TH, ngoài 34 trường trên địa bàn TP. Huế có điều kiện về bể bơi thì 192 trường còn lại phải dựa vào điều kiện tự nhiên của địa phương để tổ chức dạy bơi. Năm này, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức dạy bơi tại 87/192 trường TH, 105 trường còn lại, trẻ em khối lớp 4,5 phải tự học bơi. |
Do dạy bơi ở vùng nước mở nên việc linh hoạt trong chọn lập “hồ bơi” phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên của mỗi trường. Việc dạy bơi đòi hỏi phải chuẩn bị kỹ từ đánh giá nguồn nước, thiết bị phục vụ quá trình dạy bơi, tập huấn đội ngũ giáo viên, phụ huynh cho con em tham gia và chính quyền địa phương hỗ trợ mặt nước để tạo hồ bơi. Vì chương trình ngoại khóa nên không có kinh phí mà chỉ vận động tài trợ hoặc “linh động” từ nguồn ngân sách cấp cho các trường.
Thầy giáo Trương Công Trứ, Hiệu trưởng Trường TH Phú Hải cho biết: “Tổ chức lớp dạy bơi và kỹ năng xử lý đuối nước quả thực vất vả. Trường động viên tinh thần các giáo viên là chính. Không có lương cho hoạt động này nên mỗi buổi dạy trường chỉ bồi dưỡng 50.000 đồng/người. Còn các em nếu phụ huynh không chuẩn bị thì trường phải chi tiền khăn, nước, kẹo bánh cho các cháu, vừa dạy vừa dỗ”.
Ông Phan Văn Hải, Trưởng phòng Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Từ 4 trường TH được tổ chức dạy bơi vào năm 2014 đến nay đã nhân rộng lên đến 87 trường, nhưng để duy trì chương trình này lại gặp khó khăn do nguồn kinh phí. Những năm, trước nhờ có sự hỗ trợ của các tổ chức NCA (Norwegian Church Aid), Hue Help… nên giáo viên tham gia chương trình có một khoản thù lao nhất định. Năm nay, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội trích 150 triệu đồng để hỗ trợ kinh phí tổ chức dạy bơi hè cho học sinh TH huyện Quảng Điền, còn lại Sở Giáo dục và Đào tạo vừa tổ chức, vừa vận động tài trợ”.
Để tổ chức mỗi lớp dạy bơi chống đuối nước cần tối thiểu khoảng 25 triệu đồng cho lớp 100 em. Nhiều trường nghĩ đến việc xã hội hóa, huy động từ sự ủng hộ của phụ huynh nhưng phương án này khó khả thi.
Bài, ảnh: Thành Nhân