Theo đơn trình bày của ông Nguyễn Khuê, gia đình người anh ruột của ông là Nguyễn Diệu - Trương Thị Nữ ở thị trấn Sịa (huyện Quảng Điền) có hoàn cảnh khó khăn, chồng làm phụ hồ, vợ buôn bán lặt vặt. Vừa qua, hai người con vợ chồng ông Diệu - bà Nữ lần lượt đỗ đại học. Khi làm thủ tục vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), tổ tiết kiệm và vay vốn ở địa phương không xét đề nghị cho vay với lý do: gia đình không thuộc hộ cận nghèo. Ông Khuê so sánh: trước đó, con gái ông đỗ đại học thì được NHCSXH tỉnh Khánh Hòa xét cho vay vốn mà không hề bị áp đặt phải thuộc hộ cận nghèo.
Quyết định 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/01/2011 của Thủ tướng về chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 – 2015, thì hộ nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng trở xuống. Hộ cận nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 401.000 đồng đến 520.000 đồng/người/tháng.
|
Qua tìm hiểu, trước đây đối tượng học sinh - sinh viên (HS-SV) được vay vốn rộng hơn, nhưng từ khi có Quyết định 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (ngày 27/9/2007) về tín dụng đối với HS - SV, thì đối tượng được vay vốn được quy định rõ. Theo Điều 2 của Quyết định 157, đối tượng được vay vốn gồm:
1. HS-SV mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động.
2. HS - SV là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng:
- Hộ nghèo theo tiêu chuẩn quy định của pháp luật.
- Hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo theo quy định của pháp luật.
3. HS - SV mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh trong thời gian theo học có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú.
Theo ông Văn Đức Thọ, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh: “Nhận diện đối tượng vay của ngân hàng được Chính phủ giao cho chính quyền cấp xã (chính quyền cấp xã căn cứ vào kết quả bình xét ở các tổ), sau đó NHCSXH mới xem xét cho vay”.
Con ông Diệu - bà Nữ không thuộc hộ cận nghèo, hộ nghèo hay khó khăn về tài chính... nên tổ tiết kiệm và vay vốn không xác nhận để cơ quan chức năng cho vay vốn là có cơ sở. Tuy nhiên, tổ tiết kiệm và vay vốn nơi ông Diệu - bà Nữ sinh sống cũng cần xem xét quy định tại mục 2, khoản 2, Điều 2 của Quyết định 157 đối với “hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo theo quy định của pháp luật”. Nếu hộ ông Diệu - bà Nữ thuộc diện trên, cần xác nhận, tạo điều kiện để con ông Diệu - bà Nữ được vay vốn, góp phần “tiếp sức” cho con em địa phương học tốt trên giảng đường đại học.
Thùy Hương