UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu

Xin đồng chí cho biết đánh giá, suy nghĩ của mình về những nội dung của Hội nghị Trung ương (Khóa XII)?

Ba nội dung trong hội nghị lần này là những nội dung hết sức quan trọng, vừa có tính cấp bách, vừa có tính lâu dài liên quan đến sự thành bại của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới.

Về cán bộ và công tác cán bộ, Trung ương chỉ rõ: đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược mà chúng ta tập trung xây dựng trong thời gian tới phải có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Điểm nhấn của nghị quyết lần này là Trung ương yêu cầu phải có phương pháp đánh giá cán bộ một cách khách quan, chính xác; có cơ chế tạo động lực, đổi mới sáng tạo, rèn luyện qua thực tiễn và đề cao giải pháp kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, chủ nghĩa cá nhân, cục bộ địa phương, họ hàng trong công tác cán bộ.

Đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đấu tranh ngăn chặn sự tha hóa quyền lực trong bộ máy công quyền, sự suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên để củng cố và nâng cao niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

 Bí thư Tỉnh ủy và lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ngành liên quan kiểm tra, chỉ đạo cơ sở ở thị xã Hương Thủy

Theo đó, trong nửa cuối của nhiệm kỳ khoá XII, cố gắng phấn đấu hoàn thành một bước việc thể chế hoá, cụ thể hoá Nghị quyết thành các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ theo quy hoạch, phù hợp với tình hình thực tế; từng bước thực hiện việc bố trí bí thư cấp uỷ cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương; hoàn thành việc rà soát, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ các cấp gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, làm tốt công tác chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Trung ương cũng nhất trí ban hành Nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương nhằm sớm xây dựng hệ thống chính sách tiền lương quốc gia khoa học, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước. Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống cho người hưởng lương và gia đình họ. Cải cách chính sách tiền lương phải gắn liền với cải cách hành chính, đổi mới, tinh giản, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, các đơn vị sự nghiệp công lập; phát huy những ưu điểm, khắc phục có hiệu quả những hạn chế, bất cập của chính sách tiền lương hiện hành.

Trung ương thống nhất cho rằng, trong thời gian tới, cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách để bảo hiểm xã hội thực sự trở thành một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý và thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội; củng cố niềm tin, sự hấp dẫn và hài lòng của người dân cũng như các chủ thể tham gia bảo hiểm xã hội.

Đẩy nhanh việc mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân trên cơ sở xây dựng hệ thống bảo hiểm đa tầng, không chỉ bao gồm bảo hiểm xã hội cơ bản với cả hình thức bắt buộc và tự nguyện mà còn bao gồm cả bảo hiểm hưu trí bổ sung và bảo hiểm xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách Nhà nước, thu nhập của người dân và các nguồn lực xã hội được huy động theo truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc. Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình để phù hợp với tình hình thực tế về chính sách lao động...

Để công tác cán bộ tạo được bước đột phá lớn, góp phần đưa đất nước ngày càng phát triển, theo đồng chí có những giải pháp nào cần đặt ra?

Như chúng ta đã biết, cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc thường xuyên của Đảng. Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững.

Để thực hiện công tác này, theo tôi có 3 giải pháp đặt ra, đó là: kiểm định chất lượng đầu vào của công chức; bí thư cấp ủy không phải là người địa phương; tiến cử người có đức, có tài vào vị trí lãnh đạo. Đây là những giải pháp mang tính đột phá để nâng cao chất lượng đầu vào của đội ngũ công chức trong điều kiện hiện nay có nhiều loại hình đào tạo, chất lượng không đồng đều. Trước khi thi tuyển công chức, người dự tuyển phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện của Trung tâm kiểm định chất lượng đầu vào. Bên cạnh đó, cần thí điểm kiểm định chất lượng đầu vào viên chức, nhất là viên chức trong các ngành quan trọng, có liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp.

Việc giao người đứng đầu giới thiệu để bầu hoặc bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo là một chủ trương mới trong công tác cán bộ, nhằm kịp thời phát hiện, bồi dưỡng những người có đức, có tài. Trong lịch sử cha ông ta cũng đã thực hiện chủ trương này. Để thực hiện chủ trương này, theo tôi cần thực hiện giải pháp sau: Một là, quy định trách nhiệm cụ thể người tiến cử. Nếu người được giới thiệu không hoàn thành nhiệm vụ hoặc xảy ra tiêu cực, tham nhũng, bị xử lý kỷ luật hoặc bị khởi tố thì người tiến cử phải liên đới chịu trách nhiệm. Hai là, ban hành quy trình, quy định về kiểm tra, giám sát việc tiến cử; quy định về kiểm soát quyền lực để ngăn chặn việc “chạy chức, chạy quyền”, “lợi ích nhóm”.

Ngoài ra, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, lạm dụng, lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho tệ chạy chức, chạy quyền. Kiên quyết hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm, có hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ.

Thưa đồng chí, thời gian tới, tỉnh cần tập trung vào những vấn đề gì để đưa Nghị quyết Trung ương 7 sớm đi vào cuộc sống?

Đó là, khẩn trương triển khai thông báo nhanh và học tập, quán triệt những nội dung quan trọng, cốt lõi của Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa XII), nhất là về xây dựng đội ngũ cán bộ; về cải cách chính sách tiền lương và cải cách chính sách bảo hiểm xã hội trong tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên.

Tập trung tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về những nội dung mà Nghị quyết Trung ương 7 đã đặt ra, nhất là các nghị quyết quan trọng đã được hội nghị thông qua. Rà soát lại đội ngũ cán bộ để đào tạo, nâng cao trình độ, nhất là cấp tỉnh, cấp huyện nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn hiện nay.  Làm sao để tạo được sự chuyển biến tích cực, mang tính đột phá trong nhận thức, hành động. Từ đó, đề ra kế hoạch thực hiện, xây dựng chương trình hành động cụ thể, thiết thực để quyết tâm thực hiện đạt thắng lợi.

Xin trân trọng cám ơn đồng chí!

Anh Phong (thực hiện)