Ra mắt Ban giám đốc CDC tỉnh

Sau khi Sở Y tế tham mưu đề xuất về thực trạng 5 trung tâm không có giường bệnh trực thuộc Sở Y tế gồm Trung tâm Y tế Dự phòng, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe, Trung tâm Phòng chống sốt rét- Ký sinh trùng tỉnh được sắp xếp lại thành CDC tỉnh, với 167 cán bộ, 15 khoa, 3 phòng, tiếp tục duy trì thực hiện chức năng, nhiệm vụ của 5 trung tâm nói trên.

Sau khi sắp xếp, Ban Giám đốc CDC được bổ nhiệm từ giám đốc các trung tâm cũ; một số chức danh phó giám đốc, trưởng khoa, phòng của các trung tâm cũ được bổ nhiệm chức vụ quản lý cấp khoa, phòng của CDC tỉnh. Hơn 10 phó giám đốc các trung tâm cũ trước đây nay giữ chức danh quản lý trưởng các khoa của CDC tỉnh, nhưng vẫn được hưởng phụ cấp trách nhiệm cho đến hết nhiệm kỳ, đến tuổi nghỉ hưu. 100% cán bộ được sắp xếp công việc ổn định, phù hợp; không có trường hợp mất việc kể cả nhân viên bảo vệ.

Các bộ phận thực hiện công tác chuyên môn của CDC tỉnh không có nhiều thay đổi vì vẫn giữ nguyên so với 5 trung tâm trước đây. Sự thay đổi lớn là cán bộ, nhân viên các bộ phận hỗ trợ, gián tiếp của 5 trung tâm cũ, như: tài chính, kế hoạch, hành chính, tổ chức đã qua đào tạo nghiệp vụ, chuyên môn… sau khi sắp xếp có luân chuyển về các khoa chuyên môn để phù hợp với công việc và đề án vị trí việc làm. Tuy vậy, vẫn có một số cán bộ, nhất cán quản lý cấp phó giám đốc trung tâm cũ có tâm trạng, lo lắng nhưng cấp ủy, lãnh đạo Sở Y tế nhiều lần tổ chức họp quán triệt rõ mục đích, ý nghĩa của sắp xếp, động viên cán bộ yên tâm công tác.

Ông Nguyễn Phương Huy, nguyên Phó Trưởng phòng Truyền thông, Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe tỉnh chia sẻ: Sau khi sáp nhập 5 trung tâm thành CDC tỉnh, tôi được chuyển sang giữ Phó Trưởng khoa Phòng chống HIV/AIDS-CDC tỉnh là một công việc hoàn toàn mới so với trước đây. Đây là chủ trương lớn của Nhà nước nên tôi đồng tình.

PGS.TS Nguyễn Đình Sơn, Phó Giám đốc phụ trách CDC tỉnh cho biết, trước đây, các đơn vị hoạt động độc lập, có cơ sở vật chất, tổ chức bộ máy, tài chính riêng... Khi thành lập CDC, bước đầu có xáo trộn, nhất là đội ngũ lãnh đạo quản lý, cơ sở vật chất hạ tầng. Song, đây là việc làm tất yếu vì việc sáp nhập không chỉ thực hiện hiệu quả chức năng kiểm soát, phòng ngừa bệnh tật, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe ban đầu và nâng cao sức khỏe cho người dân mà còn giảm bộ phận hành chính, tăng nguồn nhân lực trực tiếp làm chuyên môn, phương tiện kỹ thuật, tiết kiệm chi phí cho ngân sách. "Việc sắp xếp, thành lập CDC tỉnh là thực hiện theo sự chỉ đạo của Chính phủ, liên bộ Y tế - Nội vụ và UBND tỉnh với mục tiêu tạo đột phá trong cải cách hành chính, phù hợp xu thế hội nhập" . PGS.TS Nguyễn Đình Sơn nói.

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Sơn, sau khi thành lập CDC tỉnh, nhiều thiết bị chuyên dụng được tập trung về một đầu mối quản lý, sử dụng nên phát huy tốt công năng; đội ngũ cán bộ có trình độ khoa học kỹ thuật đã lồng ghép đảm trách công việc hiệu quả; một số cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ điều tiết vào các phòng khám đa khoa, sản nhi, tiêm chủng dịch vụ... tăng nguồn thu, góp phần ổn định thêm đời sống cán bộ người lao động.

Sau việc sắp xếp CDC tỉnh, hiện nay ngành y tế đang lập kế hoạch thực hiện mô hình trung tâm y tế huyện, thị xã đa chức năng, gồm y tế dự phòng, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, dân số... Cách tổ chức như vậy sẽ tập trung đầu mối, huy động được các nguồn lực trong việc cung cấp dịch vụ chuyên môn, kỹ thuật; giảm cồng kềnh bộ máy nhưng hiệu quả công việc và tính lồng ghép cao hơn; tạo thuận lợi trong thực hiện chuyên môn, phòng, chống dịch và luân phiên cán bộ y tế giữa các tuyến, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, điều kiện đặc thù của từng địa phương.

 Minh Trường