Lắp ráp hoa. Ảnh do nhân vật cung cấp

Cơ hội

Năm 2008, Thừa Thiên Huế đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak, một nhóm tăng trẻ do Đại đức Thích Không Nhiên ở chùa Hải Đức đưa ra ý tưởng muốn đặt 7 tòa sen lớn tượng trưng cho “7 bước đi sen nở” của đức Phật trên sông Hương.

Để một khối lượng kim loại khổng lồ nổi trên mặt nước đã khó, lại còn bảo đảm sự tinh tế về ánh sáng, màu sắc và các công đoạn dán cánh sen … khiến nhiều cơ sở cơ khí dù rất hứng thú với đề tài cũng phải từ chối. Là một trong những nhà thầu ngẫu nhiên, ông Khanh cũng biết khó để tìm được giải pháp cho các “múi rối”, nhưng vì quá hứng thú với tác phẩm, ngay từ đầu ông Khanh quyết tâm phải làm cho bằng được. Ông nhớ lại: “Đêm hôm đó tôi đã không hề chợp mắt, rất nhiều phương án cứ lướt qua đầu tôi. Rất rối, nhưng với tôi, đây là cơ hội”.

Để thuyết phục Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế (Giáo hội), ông Khanh nêu rõ từng cách giải quyết khó khăn, như: dùng các thùng phuy làm bè nổi cho sen, vận dụng hết tính năng của máy nổ để tạo ánh sáng và uốn cánh sen bằng ống típ phi 27. Đề án của ông Khanh nhanh chóng được chấp nhận. Chưa đến một tuần sau, ông đã minh chứng bằng cách hạ thủy thành công mô hình hoa sen thu nhỏ với tỷ lệ 1/10.

Khi bắt tay vào việc, ông Khanh cùng kíp cộng sự gồm 12 thợ cơ khí, 5 thợ điện và nhiều vị tăng ni đã trải qua không ít khó khăn. Trăn trở với kỹ thuật đã đành, nhiều vấn đề như tìm không ra khổ vải để may những cánh sen có đường kính rộng 9m, việc di chuyển những vật dụng quá khổ đòi hỏi phải nhận được sự đồng ý của ngành giao thông và di chuyển vào giờ thích hợp. Ông Khanh kể: “Đang lúc nghĩ cách phát sáng mà không lộ các bóng đèn, tôi tình cờ nhìn thấy viên đá saphia trên chiếc nhẫn của vợ và nảy ra ý tưởng bó ánh sáng như một viên ngọc để tạo chùm ánh sáng khổng lồ phát ra một cách tinh tế; về khổ vải phải thỏa thuận xin phép Giáo hội hạ chiều rộng từ 9m xuống còn 7,8m...

Ngày 5/4 âm lịch năm 2008, những bông hoa sen khổng lồ lần đầu tiên hạ thủy thành công trên sông Hương, nhờ lấy ánh sáng màu hồng làm tông màu chủ đạo, những đóa sen đã thắp sáng một đoạn sông từ cầu Phú Xuân đến bến Phu Vân Lâu tạo ấn tượng mạnh cho người thưởng lãm.

Từ đó đến nay, cứ đến cuối tháng 3 âm lịch hàng năm, ông Khanh cùng kíp thợ lại tất bật chuẩn bị để kịp hạ thủy các tòa sen mừng Đại lễ Phật đản. Công việc tưởng như quen thuộc, nhưng để soạn, lắp ráp và vận chuyển gần 10 tấn sắt qua đoạn đường dài 5km từ Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế ở phường Thủy Xuân đến sông Hương và ngược lại không tránh khỏi hư hỏng; các cánh hoa phải may mới mỗi năm với số vải cần có khoảng 1.500 mét vải, khổ rộng 1,5 mét… nên khối lượng công việc luôn rất lớn, đòi hỏi người thợ phải cẩn thận từng chi tiết.

Năm 2010, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An gửi thư mời ông Khanh cùng tác phẩm hoa sen trên sông tham dự Tuần Văn hóa Phật giáo toàn quốc tại TP. Vinh; mùa Phật đản năm 2012, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận Phú Nhuận (TP. Hồ Chí Minh) mời ông chuyển giao công nghệ để làm 7 đóa sen trên kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè. Nhưng ông Khanh lại cảm thấy tự hào nhất là vào mùa Phật đản năm 2017, theo lời mời của Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, tác phẩm của ông đã được đặt giữa lòng hồ Xuân Hương của TP. Đà Lạt dù đến nay hoa sen của ông Khanh đã đến với 2 nước là Mỹ và Úc vào các năm 2013 và 2014 theo đơn đặt hàng.

Không chỉ để kiếm sống

Đến với nghề cơ khí đến nay hơn 25 năm, chàng trai Nguyễn Hữu Khanh ngày ấy chỉ là chọn cho mình cái nghề để kiếm sống. Nhưng ông không chỉ xem công việc này là công cụ kiếm sống mà còn là đam mê.

Ông chia sẻ: “Với người yêu nghề, những thanh sắt và lò lửa chẳng khác nào màu và cọ hay bút và giấy của họa sĩ hay văn sĩ”.

Trở lại với việc làm hoa sen nổi, ông Khanh cho rằng, khó khăn lớn nhất mà ông trải qua là công trình tại kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè do thủy triều tăng giảm trong ngày từ 3 đến 5 mét nên việc định vị hoa đúng vị trí rất khó. Nhưng rồi, khó khăn lại là cơ hội giúp ông tìm ra ý tưởng để sáng tạo, khắc phục khó khăn phù hợp với hiện trạng của dòng kênh để lắp ráp thành công những đóa sen.

Ông Khanh quan niệm: “Với tôi, mỗi thư mời chính là giấy chứng nhận, một bằng khen”, để những thanh sắt thô cứng trở thành những bông hoa kiêu hãnh trên những dòng sông là cả một quá trình dày công nghiên cứu, từ việc tạo cánh đúng tỷ lệ, cẩn thận khi dán vải để đảm bảo độ căng. Tôi đã phải tháo hàng chục chiếc dù che mưa mới tìm được cách tạo độ cong cho cánh hoa”.

Đại đức Thích Không Nhiên nhận xét: “Khi các nhà thầu khác “lắc đầu”, chúng tôi tưởng như không còn hy vọng thực hiện được ý tưởng. Nhưng bằng cái tâm và tình yêu nghề, ông Khanh đã giúp tôi đạt được ước mơ. Giờ thì 7 đóa sen hồng trên sông Hương đã trở thành biểu tượng đặc trưng của Huế khi mùa Phật đản về”.

HƯƠNG LAN