Giữa văn chương với tư cách là một bộ môn nghệ thuật và sử học với tư cách là bộ môn khoa học có nhiều mối quan hệ bền chặt. Văn học Việt Nam đương đại từ cuối thế kỷ XX đến nay quay về với cội nguồn lịch sử dân tộc. Các diễn ngôn văn chương trong giai đoạn này không còn được coi là diễn ngôn lịch sử nhưng góp phần soi chiếu lịch sử, lịch sử là cảm hứng và là chất liệu để nhà văn sáng tạo nên tác phẩm tinh thần của mình.
Nhà văn Lê Vũ Trường Giang chia sẻ kinh nghiệm viết tiểu thuyết lịch sử. Ảnh: Minh Hiền
Phát biểu tại buổi tọa đàm, PGS.TS. Hoàng Văn Hiển, Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học - Đại học Huế nhấn mạnh: “Trên thực tế, văn học viết về đề tài lịch sử dẫu đã có sự phát triển trong những năm qua và có những đóng góp đáng trân trọng nhưng theo đánh giá của nhiều người, nghiên cứu về lĩnh vực này nhìn chung vẫn chưa theo kịp với thực tiễn sáng tác. Nhiều vấn đề khoa học còn bỏ ngỏ, hoặc có thể gây ra những tranh luận gay gắt... Buổi tọa đàm là sự cần thiết nói lên tiếng nói của giới khoa học lẫn giới sáng tạo chuyên nghiệp, hàn lâm về vấn đề trên, trong đó liên quan đến vai trò, trách nhiệm của chính các tác giả, những định hướng sáng tác đúng đắn, việc giảng dạy lịch sử trong nhà trường từ phổ thông đến đại học...”.
Các ý kiến của các nhà văn, giảng viên, nhà nghiên cứu đã thảo luận về quá trình hình thành và phát triển của tiểu thuyết lịch sử, tính hư cấu, sự tự do sáng tạo trong tiểu thuyết lịch sử; vấn đề giải thiêng trong văn xuôi viết về lịch sử Việt Nam; giới hạn của những tranh luận liên quan đến các tác phẩm văn học viết về lịch sử.
Các nhà văn cũng chia sẻ những khó khăn gặp phải trong quá trình sáng tác tác phẩm về lịch sử, đòi hỏi nhà văn phải có nền tảng kiến thức sâu về văn hóa, tôn giáo, lịch sử, phương pháp khai thác tư liệu tốt, trung thành với thời gian, hoàn cảnh lịch sử...
Tin, ảnh: Minh Hiền