Về địa điểm dựng Bắc trường đình:

 

Cao Bá Quát trong “lời đề cuối tập thơ của ông Thương Sơn từng nhắc đến Bắc trường đình: “Song ngày mai, ở cầu Đốc Sơ, trông về phía nam, thấy phía nam cửa khuyết… Mua rượu ở nơi trường đình cởi áo bồi hồi ngâm vịnh các bài thơ “Hà thượng” của Quốc Công…”. Cũng Cao Bá Quát, từng tiễn bạn Nguyễn Mã Trai bên cầu Đốc Sơ, làm thơ có câu : “Đốc Sơ kiều Bắc tống tương quy, Giang liễu hàng biên yến yến phi (Tiễn người qua Bắc cầu Đốc Sơ/Hàng liễu bên sông, én lượn lờ (Đỗ Xuân Cẩm tạm dịch). Hoặc đêm thu nhớ bạn tả Bắc trường đình: “Bắc trường đình ngoại liễu sơ điều/Phi quá Hương giang đệ kỷ kiều. (Phía Bắc trường đình liễu chớm xanh/Bay tận Hương giang mấy cầu hành)

 

Cầu Đốc Sơ (Cầu Hương Trà), gần cầu có bãi tha ma, nền móng cũ của chợ An Vân và Bắc trường đình đã bị phế bỏ. (ảnh bên)

 

(Đỗ Xuân Cẩm tạm dịch)...Qua thơ văn Cao Bá Quát vừa được trích dẫn có thể đoán Bắc trường đình ở phía bắc cầu Đốc Sơ và gần cầu này. Rà tìm trong Đại Nam Nhất thống chí phần ghi chép về chợ An Vân: “Ở bờ phía bắc sông Hộ Thành về mặt sau huyện Hương Trà, buôn bán tụ họp, năm Minh Mệnh thứ 16 dựng Bắc Trường đình ở đây, nay bỏ” (sđd. tr.182). Cầu Đốc Sơ, có khi gọi là cầu Hương Trà, xưa được xây bằng gạch, kiểu vòm, còn hiện nay đã sửa lại bằng bê tông cốt thép. Dân hai bờ sông Hộ Thành hà (Bắc), còn gọi là sông Đào, khi chưa có cầu sắt (sau 1975), qua lại bằng đò. Bến đò phía bắc gọi là bến Đốc Sơ (hay bến Ông Mới). Gần bến có Miếu Âm hồn. Lên bến đi một đoạn dọc bờ sông Đào thì qua cầu An Hòa (dài 6,6m, rộng 8m) (xưa gọi là cầu An Vân). Còn đi vào cầu Đốc Sơ để qua cầu theo con đường cổ để ra Đức Bưu, Tri Lễ, Hương Cần…Phía Bắc và gần cầu Đốc Sơ, có một bãi tha ma, thuộc làng Dương Xuân (xưa thuộc làng An Vân), đây chính là vị trí chợ An Vân xưa và Bắc Trường đình. Từ vị trí này Cao Bá Quát thấy phòng thành Huế và núi Thương Sơn (nay là Kim Phụng).

 

Best Western Primer Indochine Palace được xây dựng ở khu vực từng có nền móng cũ của Nam Trường đình. Ảnh: HK

 

Về địa điểm dựng Nam trường đình:

 

Các vị bô lão làng An Cựu từng cho biết chợ An Cựu xưa, còn gọi là chợ Đường Ngang. Chợ có tên là chợ Đường Ngang vì nó nằm trên một đường ngang, tức sau này là đường Hùng Vương. Chợ ở gần Nhà văn hóa trung tâm hiện nay. Năm 1835, khu vực có chợ Đường Ngang được dựng thêm Nam trường đình. Trước đây, vì gần chợ có trại lính Pháp nên người Pháp bắt chợ phải dời đến bờ sông An Cựu, địa điểm hiện nay. Cầu An Cựu xưa không phải cầu An Cựu nay, bắc qua sông An Cựu. Đại Nam nhất thống chí chép: “Cầu An Cựu: Ở xã An Cựu huyện Hương Thủy, bắc từ đầu đời Gia Long, cầu dài 7 thước, năm Minh Mệnh thứ 16 sửa lại.” (sđd, tr . 188). 7 thước ta, tức khoảng 2,8 mét tây, chi tiết này chứng tỏ cầu An Cựu xưa không thể là cầu An Cựu nay. Ngày xưa có một con hói được đào từ bờ bắc sông An Cựu, gần bên phải của cung An Định, chạy giữa cánh đồng An Cựu rồi qua cánh đồng xã Thủy Phú (tức làng Phú Xuân) rồi đổ vào sông Mới. Cầu “Thứ bảy” trên đường Bà Triệu là bắc qua con hói này, còn cầu An Cựu xưa nằm trên đường Ngang và cũng bắc qua con hói ấy. Về sau người Huế gọi cầu An Cựu xưa là cống Lầu Tây (vì sát cống có lầu của một quan Tây xây để ở). Đại Nam nhất thống chí chép về chợ An Cựu: “Ở huyện Hương Thủy, buôn bán đông đúc, là một chợ lớn trong huyện; năm Minh Mệnh thứ 16 dựng Nam trường đình ở đây, nay bỏ…”(sđd, tr.183). Trước 1975, cống Lầu Tây vẫn còn. Cống xây bằng gạch vồ theo kiểu vòm và đá gan gà. Phía nam cống, phía đông đường Ngang, có nền đất cao hơn mặt ruộng, trên ấy người ta trồng sắn, nưa, chuối. Đây là nền móng cũ của Nam trường đình, thuộc khu vực có khách sạn Best Western Primer Indochine Palace hiện nay.

 

Thay lời kết:

 

Về ý tưởng phục dựng Bắc và Nam trường đình, có lẽ chỉ có thể dựng ở địa điểm mới, theo phong cách kiến trúc cũ, chứ không thể phục dựng ở địa điểm cũ được. Hai địa điểm của hai công trình kiến trúc cũ đã trở thành nghĩa trang và cơ sở thương mại, không phải là cửa ngõ của đường giao thông qua thành phố Huế. Người xưa đã phế bỏ Bắc trường đình và Nam trường đình, ắt phải có lý do chính đáng. Dẫu đời nay, chúng ta biết được hai công trình này qua thư tịch, tưởng tượng cảnh quan của chúng rất thơ mộng, mang phong vị Đường thi, và muốn phục dựng, ấy là ý tưởng tốt. Tuy nhiên, việc phục dựng đúng như vị trí xưa thì bất khả thi vậy.

Lãng Điền