12 giờ đêm hôm đó, tại nhà để xe của quán karaoke, Th., Ph. gặp nhóm Tr. gồm 4 người. Thấy 1 người trong nhóm Tr. mang quần quân đội, Ph. hỏi “bộ đội mà cũng đi hát karaoke”. Vì câu hỏi này mà hai bên xảy ra cãi cọ rồi lao vào đánh nhau. Th. bị nhóm Tr. đuổi đánh “rát” quá phải bỏ chạy lên tầng hai quán karaoke, thoát ra ngoài.

Hậm hực, Th. gọi điện thoại cho P. cầu cứu: “Anh bị đánh ở quán karaoke, em ra giúp anh với”. P. đồng ý, nửa đêm nửa hôm vẫn chạy xe máy đến gặp Th. Sau đó, cả hai “nhờ” thêm S. “hỗ trợ”. S. đồng ý, đồng thời lấy cây gậy dùng để đốt vàng mã (bằng gỗ) đưa cho Th. mang theo. Cả ba đi trên 1 chiếc xe máy đến quán karaoke. Thấy 4 người nhóm Tr. đang đứng bên kia đường, Th., Ph., S. xông đến đuổi đánh. Bạn của P. là H. đang ngồi ăn uống trước một quán ăn cạnh đó, thấy vậy cũng chạy ra “giúp chiến hữu”.

Nhóm Tr. bỏ chạy. Tr. chậm chân, bị H. dùng cùi chỏ đánh trúng má. Đang lảo đảo thì lại bị Th. dùng gậy gỗ đánh vào đầu, Tr. ngã xuống đường bất tỉnh. Sau khi gây án, S. bỏ trốn khỏi địa phương, hai tháng sau thì bị bắt, ‘theo” các “chiến hữu” vào trại tạm giam. Tr. được đưa đi cấp cứu, phải nằm viện điều trị gần nửa tháng. Tr. yêu cầu các bị cáo phải bồi thường 46 triệu đồng chi phí thuốc men. Gia đình Th. đã bồi thường 30 triệu đồng, gia đình P. bồi thường 9 triệu đồng, gia đình H. bồi thường 2 triệu đồng, gia đình S. bồi thường 2 triệu đồng. Tổng cộng là 43 triệu đồng. Tại phiên tòa, Tr. không yêu cầu các bị cáo phải bồi thường thêm số tiền còn lại, đồng thời xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo.

Dễ dàng nhận ra những gương mặt buồn bã, khắc khổ, muộn phiền của người thân các bị cáo, giữa đám đông dự khán phiên tòa. Th., S. đã có vợ con. Con của bị cáo Th. đứa lớn 15 tuổi, đứa nhỏ 9 tuổi. Hai con của S. chỉ mới 5 tuổi và 3 tuổi. Vợ Th. dốc hết số tiền dành dụm để nuôi con ăn học, nhưng vẫn không đủ, nên anh em trong gia đình phải gom góp thêm để có 30 triệu đồng, thay bị cáo bồi thường thuốc men cho bị hại.

Bị cáo H. trước đây từng phục vụ trong quân đội, đã xuất ngũ. Trả lời thẩm vấn của hội đồng xét xử, H. trình bày không có mâu thuẫn gì với nhóm của Tr., cũng không biết Tr. (bị hại) là ai. Tòa truy, không mâu thuẫn, sao lại tham gia đánh nhau, gây thương tích cho bị hại? H. phân trần vì thấy trong nhóm bị cáo có bạn của mình là P. nên mới hỗ trợ, giúp sức. Tòa: “Bị cáo từng được rèn luyện trong quân đội, nhận thức phải cao hơn các bị cáo khác. Khi xảy ra đánh nhau, lẽ ra bị cáo phải ngăn cản những người khác, chứ sao lại hùa theo họ vi phạm pháp luật?”. H. cúi mặt, ánh mắt đầy ân hận.

Cả 4 bị cáo đều chưa ai có tiền án tiền sự, hôm nay phải ra tòa “lãnh” án. Th. bị phạt 2 năm 3 tháng tù; S. 2 năm tù; H. 1 năm tù; P. 9 tháng tù. Hội đồng xét xử và cả những người dự khán đều tiếc cho các bị cáo. Giúp bạn trái pháp luật, bản thân các bị cáo tự làm hại cuộc đời mình, lại còn làm liên lụy đến cha mẹ, vợ, con… “Chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ, chỉ vì suy nghĩ, hành vi lệch lạc, các bị cáo lại kéo nhau đi trả thù, khiến bị hại suýt chút nữa phải mất mạng, còn các bị cáo phải ra đứng đây, chịu sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật. Nhất là những bị cáo đã có gia đình, đã làm cha. Trách nhiệm của cha mẹ không chỉ có kiếm tiền, cho con cơm ăn áo mặc mà quan trọng là phải làm tấm gương tốt, mới có thể dạy dỗ con nên người…”- tòa nhắc nhở.

Quỳnh Anh