Ông Phan Ngọc Thọ, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh

Thưa ông, Kỳ họp thứ 5 Quốc hội lần này sẽ bàn và quyết định những vấn đề gì?

Tại kỳ họp này, đối với các dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua đều đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội, Đoàn ĐBQH. Trong số 8 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến, dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã được Quốc hội quyết định xem xét, thông qua theo quy trình tại 3 kỳ họp nên đề nghị tiếp tục cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5. Trong các dự thảo luật được thông qua và cho ý kiến lần này, một số luật có tính chất quan trọng tác động đến sự phát triển kinh tế -xã hội của đất nước, được đông đảo cử tri quan tâm như: Luật Đơn vị - hành chính kinh tế đặc biệt; Luật Phòng chống tham nhũng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học...

Ngoài ra, Quốc hội sẽ tập trung xem xét các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước; quyết toán ngân sách Nhà nước; thực hiện giám sát tối cao; xem xét, thông qua các Nghị quyết về Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2019; Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát và việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2019; xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Ngoài rút ngắn thời gian họp, còn điểm mới nào tại kỳ họp lần này thưa ông?

Đó là việc đổi mới về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Theo đó, đại biểu Quốc hội nêu chất vấn ngắn gọn, rõ ý, không quá 1 phút/1 lần. Sau 3 người hỏi thì người bị chất vấn trả lời câu hỏi của đại biểu không quá 3 phút/1 lần. Với việc rút ngắn thời gian hỏi và trả lời sẽ giúp nâng cao chất lượng của phiên chất vấn, đảm bảo nội dung chất vấn đi vào trọng tâm, trọng điểm.

Quốc hội cũng tăng phát trực tiếp các nội dung quan trọng của kỳ họp trên kênh Truyền hình Quốc hội và phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam như: Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi; quyết toán ngân sách Nhà nước, thảo luận về phát triển kinh tế- xã hội; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… Chủ tịch Quốc hội cũng đề xuất giảm thời gian thảo luận tại tổ để tăng thời gian thảo luận tại hội trường, trong đó có một số nội dung không nhất định phải thảo luận tại tổ...

Trước kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có những hoạt động gì, thưa ông?

Về công tác lập pháp, Đoàn ĐBQH tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan lấy ý kiến vào 11 dự thảo luật trình Quốc hội thông qua và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, gồm: Luật Tố cáo (sửa đổi), Luật Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt, Luật Cạnh tranh (sửa đổi), Luật An ninh mạng, Luật Quốc phòng (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao, Luật Đo đạc và bản đồ… Trên cơ sở các ý kiến tham gia của các tổ chức, đơn vị, cá nhân, Đoàn ĐBQH đã tổng hợp đầy đủ các báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ĐBQH đảm bảo yêu cầu.

Về hoạt động giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đã chủ trì tiến hành 3 cuộc giám sát trên địa bàn tỉnh: giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011- 2016; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011- 2016. Ngoài ra, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia các đoàn khảo sát, đoàn công tác của Quốc hội làm việc tại tỉnh và các địa phương khác.

Ông Phan Ngọc Thọ khảo sát và kiểm tra các làng nghề truyền thống tại huyện Phú Vang

Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức cho ĐBQH tiếp xúc cử tri tại 9 điểm trên địa bàn tỉnh để thông báo nội dung, chương trình kỳ họp; một số hoạt động của Đoàn ĐBQH từ kỳ họp thứ 4 cho đến nay; tình hình phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và của tỉnh nhà trong quý I năm 2018… Tại các buổi tiếp xúc cử tri, Đoàn ĐBQH đã tiếp thu và chuyển các ý kiến, kiến nghị của cử tri đến Quốc hội, Chính phủ và các Bộ ngành xem xét giải quyết.

Đoàn đã làm tốt công tác tiếp công dân, tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân gửi đến Đoàn ĐBQH tỉnh. Thông qua hoạt động này, Đoàn ĐBQH tỉnh đã phối hợp với Thường trực HĐND, UBND tỉnh, các địa phương và các ngành chức năng liên quan giải thích và hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo và vận động người dân chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần đảm bảo tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đoàn ĐBQH tỉnh và các ĐBQH sẽ có những đóng góp gì tại kỳ họp này? Những vấn đề gì được các ĐBQH quan tâm?

Với ý thức, tinh thần trách nhiệm cao của người đại biểu nhân dân, ngay khi có thông báo triệu tập kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh đã chủ động làm việc với các cơ quan, đơn vị để nghe báo cáo tình hình hoạt động, những khó khăn, vướng mắc cũng như những kiến nghị, đề xuất của các đơn vị trên địa bàn tỉnh; trên cơ sở đó để ĐBQH, Đoàn ĐBQH kiến nghị các Bộ, ngành liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị nhất là trong việc thực hiện cơ chế chính sách. Ngoài ra, các ĐBQH sẽ tham gia đầy đủ các phiên thảo luận tại tổ và hội trường theo nội dung, chương trình kỳ họp. Tùy vào tình hình cụ thể, các ĐBQH sẽ tiến hành chất vấn đối với những vấn đề mà cử tri quan tâm.

Ðoàn ĐBQH tỉnh sẽ làm việc với các Bộ, ngành liên quan để trao đổi thông tin nhằm huy động tối đa nguồn lực để xây dựng hạ tầng kinh tế, kỹ thuật tại địa phương; tham gia nhiều hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm hoạt động với các địa phương khác nhằm quảng bá, giới thiệu về điều kiện tự nhiên, con người, tiềm năng và thế mạnh của Thừa Thiên Huế, góp phần tăng cường thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thái Sơn (thực hiện)