Các thành phố ở những nước đang phát triển như Nairobi ở Kenya tiếp tục phát triển nhanh chóng. Ảnh: UN
Do sự thay đổi trong nhân khẩu học và gia tăng dân số, tương đương với khoảng 2,5 tỷ người có thể sẽ sinh sống ở các khu vực đô thị vào giữa thế kỷ này, Vụ các vấn đề về Kinh tế và Xã hội của Liên Hiệp Quốc (DESA) dự đoán.
Tuy nhiên, phần lớn sự gia tăng dự kiến sẽ tập trung cao độ chỉ ở một số ít quốc gia. "Cùng với Ấn Độ, Trung Quốc và Nigeria sẽ chiếm 35% dân số đô thị thế giới dự đoán trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến năm 2050 ... Dự kiến Ấn Độ sẽ có thêm 416 triệu dân đô thị, Trung Quốc 255 triệu và Nigeria 189 triệu," DESA công bố hôm qua (16/5).
Báo cáo cũng ước tính rằng đến năm 2030, thế giới có thể có 43 siêu đô thị (tăng từ con số 31 hiện nay), là những thành phố có hơn 10 triệu dân - hầu hết là ở các nước đang phát triển.
Đến năm 2028, thủ đô của Ấn Độ, New Delhi, được dự đoán sẽ trở thành thành phố đông dân nhất trên hành tinh này.
Hiện Tokyo là đô thị đông dân nhất thế giới, quy tụ 37 triệu dân, tiếp theo là New Delhi (29 triệu), và Thượng Hải (26 triệu). Thành phố Mexico và Sao Paulo đứng ở vị trí đến tiếp theo; với khoảng 22 triệu dân ở mỗi thành phố.
“Nhiều quốc gia sẽ phải đối mặt với những thách thức trong việc đáp ứng nhu cầu của dân số đô thị ngày càng tăng, bao gồm nhà ở, giao thông vận tải, hệ thống năng lượng và cơ sở hạ tầng khác, cũng như số việc làm và các dịch vụ cơ bản như giáo dục và chăm sóc sức khỏe”, DESA cho biết, kêu gọi các chính phủ áp dụng các chính sách tích hợp tốt hơn để cải thiện cuộc sống của cả người dân thành thị và nông thôn.
Đồng thời, các mối liên kết giữa khu vực đô thị và nông thôn sẽ cần phải được tăng cường, xây dựng trên mối quan hệ kinh tế, xã hội và môi trường hiện có, báo cáo kết luận.
Bảo Nghi (Lược dịch từ UN)