Tuyển tập tác phẩm của Đạm Phương Nữ Sử. Ảnh: Internet

Đạm Phương Nữ Sử (ĐPNS-1881-1947) là một tên tuổi nổi tiếng không chỉ ở Huế. Bà là cháu nội của vua Minh Mạng, tên thật là Tôn Nữ Đồng Canh, nhà thơ, nhà hoạt động xã hội và đặc biệt nổi tiếng với tư cách là nhà báo nữ thuộc thế hệ đầu tiên của nền báo chí Việt Nam đầu thế kỷ 20. Từ những bài báo và các tác phẩm đã xuất bản trước đây, năm 1999, Nhà Xuất bản Văn học đã in “Tuyển tập Đạm Phương Nữ Sử”. Đến năm 2010, cuốn sách được NXB Văn học tái bản với những bổ sung, sửa chữa do nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm (cháu nội ĐPNS) thực hiện.

Lần này, cuốn sách được NXB Phụ Nữ ấn hành trong tủ sách “Phụ nữ tùng thư” (Hà Nội, tháng 3/2018) với tên “Vấn đề phụ nữ ở nước ta”. Nhà nghiên cứu Đoàn Ánh Dương - người giới thiệu tuyển chọn tác phẩm cho biết, cuốn sách xuất bản lần này có “thêm những tài liệu mới do nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cung cấp, kết quả của quá trình sưu tập di sản của ĐPNS sau khi “Tuyển tập Đạm Phương Nữ Sử” được ấn hành…”; còn những bài đã được công bố của các nhà sưu tầm đi trước, về cơ bản, được phục nguyên.

Cuốn sách dày gần 700 trang khổ lớn, chia làm 4 phần. Ngoài phần IV gồm 5 tác phẩm thuộc thể loại hư cấu (truyện ngắn và tiểu thuyết), còn phần I gồm 122 bài báo đã đăng trên các báo khắp 3 miền từ 1918 đến 1930, như Lục tỉnh tân văn, Trung Bắc tân văn, Hữu thanh, Thực nghiệp, Tiếng dân, Phụ nữ tân văn… Phần II gồm 23 bài về hoạt động nữ công ở Huế và Phần III gồm 38 bài từng in thành sách trước đây (“Gia đình giáo dục thường đàm” và “Phụ nữ dự gia đình”).

Chỉ xét về khối lượng báo chí, trong vòng mươi năm, một phụ nữ như ĐPNS - theo quan niệm ngày xưa -  thường chỉ quanh quẩn trong cung cấm, vậy mà bà đã “tung hoành” trên cả 3 miền với gần 200 bài báo thì quả thật là trường hợp “độc nhất vô nhị”. Kể từ bài ký đầu tiên “Tự thuật cảnh Hương Giang (Huế) buổi chiều” của ĐPNS đăng trên Tạp chí Nam Phong (tháng 7/1918) đến nay vừa tròn 100 năm. “Trăm năm bia đá thì mòn…” nhưng mấy trăm bài báo của ĐPNS; trong đó, phần lớn đề cập đến giáo dục thiếu nhi, xây dựng gia đình, vai trò của người phụ nữ, sau quãng thời gian tính bằng thế kỷ, vẫn được trân trọng in lại đến 3 lần, chứng tỏ tác giả có tầm nhìn xa, đã sớm nhìn thấy các vấn đề trọng yếu và có tính “muôn thuở” của xã hội.

Cuốn sách đề cập đến hàng trăm vấn đề liên quan đến chủ đề nêu trên, tác giả bàn từ các chuyện hệ trọng, như “Đức hạnh”, “Chữ trinh”, “Xã hội giáo dục”, “Bảo tồn nhân cách”… cho đến mọi quan hệ trong đời sống, như “Vợ cả đối với vợ lẻ”, “Bà gia với nàng dâu”, “Đối với kẻ tôi tớ mình”… Hai bộ phim truyền hình gần đây khai thác đề tài “mẹ chồng nàng dâu” thu hút khá đông khán giả chứng tỏ các “chuyện gia đình” mà ĐPNS bàn đến là chuyện muôn đời. Cả những mối quan hệ mà ít người chú ý (như “Đối với anh em chồng”), ĐPNS cũng không bỏ qua và với nhãn quan có tầm bao quát, bà đã nâng việc tưởng là “nhỏ nhặt” thành chuyện “có cái nghĩa rộng rãi”:

"… Còn người chồng mà thiên về mặt ái tình trọng vợ con, chứ không kể tình hữu ái anh em ra gì, là một điều không hay, người vợ chẳng nên lấy thế làm mừng, vì cái lòng hữu ái đã khuyết điểm, tất sự hạnh phúc trong gia đình cũng sa sút nhiều phần…”

ĐPNS là một trong số tác giả đầu tiên ở Việt Nam lên tiếng về “nữ quyền” một cách toàn diện, nhưng qua đoạn văn vừa trích, chúng ta thấy bà  không “thiên vị” chị em và bao giờ cũng nhấn mạnh mối liên quan giữa gia đình và xã hội. Trong bài “Xã hội giáo dục” đăng báo “Trung Bắc tân văn” từ tháng 1/1924, chúng ta thấy vấn đề bà nêu ra vẫn là chuyện của hôm nay:

"… người ta sinh ra ở đời cũng ví như cái cây sinh trên mặt đất này, tuy nhờ công người bón nắn mà cũng nhờ có khí hậu điều hòa thì mới đâm bông kết nụ đặng… Nếu cả xã hội mà chuộng về đường đạo đức thì trong gia đình nào lại để khoáng phế sự giáo dục đi đặng…”

Nếu xem loạt bài báo kể trên là “lý thuyết” thì Phần II cuốn sách tập trung giới thiệu các hoạt động của Nữ công học hội ở Huế được khánh thành ngày 15/6/1926 mà ĐPNS với chức trách Hội trưởng, là nơi “thực hành”, thúc đẩy mọi hoạt động quan tâm những vấn đề ĐPNS đã đặt ra trong các tác phẩm báo chí. Trong cuốn sách vừa được NXB phụ nữ ấn hành đã in lại trang trọng tại bìa 4 câu đối treo ở Hội quán Nữ công học hội:

“Đạo đức sẵn nền xưa, Trung Nam Bắc dìu dắt chị em, xây đắp bồi thêm văn hiến cũ.”

“Á Âu đương hội mới, công ngôn hạnh giữ gìn nền nếp, tập tành mong để lợi quyền chung.”

Tinh thần này, trong bài diễn văn đọc tại Lễ khánh thành Nữ công học hội, ĐPNS đã nói rõ hơn:

“Một cái xã hội tốt hay xấu là do tại gia đình tốt hay xấu, mà gia đình tốt hay xấu là do sự giáo dục của mỗi gia đình với mỗi cá nhân mà tạo ra, đàn bà vẫn có một phần trách nhiệm trong cuộc tạo nhân kết quả ấy… Ngày nay cái nghĩa vụ  của chị em chúng tôi là phải hô hào kèm với giữ gìn phong hóa cũ, mà cần tẩm bổ thêm tư tưởng mới, ngõ hầu vun tươi những mầm non, nụ tốt sau này…”

Tinh thần vừa giữ truyền thống, vừa hấp thu tiến bộ của nhân loại mà ĐPNS “tuyên ngôn” từ hơn 90 năm trước, vẫn có giá trị đến tận hôm nay!

NGUYỄN KHẮC PHÊ

(Đọc “Vấn đề phụ nữ ở nước ta” - Tuyển tập tác phẩm của Đạm Phương Nữ Sử, NXB Phụ Nữ, 2018)