Cây ấy, hoa ấy, phố ấy, chỉ có thể đang ở trong vòng tay của mùa hạ. Mùa mà dù có nóng rát đến cháy da cháy thịt thì vẫn có nguyên cớ để người ta rỉ tai nhau thì thầm những lời dịu dàng nhỏ nhẹ, là vì một tím biếc đang ngác ngơ dệt lụa bên trời.
Cuối xuân đầu hạ, khi những cơn mưa bụi tận tàn, trời chuyển sang tiết mới. Khí hậu dần oi bức, những vệt rêu mới mọc trên tường, cây cối xanh tốt mỡ màng, và sau những cơn mưa chuyển mùa, người ta thấy một vài dáng hình chuẩn bị trổ hoa. Một hôm thức dậy sau cơn mưa nửa đêm về sáng, xách xe chạy vòng vòng, bỗng đâu rơi vào mắt nhìn một màu tím còn nhạt lẫn trong mấy nụ chúm chím trên ngọn cây. Ngỡ ngàng nhận ra, đã sắp sửa một mùa bằng lăng khác. Thế rồi, khi vầng trăng khuyết tháng ba âm lịch từ từ nhô lên cao cũng là lúc bằng lăng mở những cánh đầu tiên báo hiệu một vòng đời mới. Ngày bắt đầu dài ra. Thi thoảng có những cơn mưa rào trút xuống mái tôn nghe như rắc đậu.
Có bình minh ngày mới được nhen lên từ ảo ảnh đêm qua. Sau mưa, bằng lăng ướt sũng, thường bị dập nát vì cánh mỏng nhưng có lẽ vì thế mà nhan sắc của loài hoa này càng thêm phần thi vị. Bằng lăng không phải là một loài hoa đỏng đảnh nhưng kỳ thực, sự mộc mạc bình dân của nó cũng phải đặt đúng không gian. Trồng bằng lăng ngoài phố là đẹp nhất, trải thành một dãy dài bên cạnh những ngôi nhà đã bàng bạc màu gió sương. Dưới gốc bằng lăng, người ta có thể bày một mẹt hàng, mắc dây võng đung đưa hóng mát, hoặc có thể dựng một tiệm hớt tóc nhỏ. Bằng lăng gói ghém đời sống thường nhật của con người phố thị, qua tán lá dày và chùm bông hoa tím sẫm.
Sắc tím bằng lăng cho người ta nhận về cảm giác bình yên, làm dịu đi cái nóng của những ngày oi bức. Bằng lăng tạo đóa 6 cánh, mỏng mảnh, nhăn nhúm giống như một miếng vải thô được nhúng chàm, cảm giác có thể áp lên má hít hà được. Bằng lăng không hương, chỉ có thể cảm nhận qua khuôn màu tím ngắt. Đó là sắc tím chất chứa nội tâm sâu thẳm, thể như một gắn bó tri kỷ đã có từ rất lâu. Ngắm bằng lăng, thấy hiện lên dung dáng của những người con gái kín đáo giấu nỗi đợi chờ sau vành nón, để rồi nhiều năm sau đó mới biết rằng, người vĩnh viễn không bao giờ đến. Bằng lăng đã tặng cho mùa hạ những hoàng hôn màu tím vời vợi ngóng trông mà không mùa nào có được.
Yến Khê bạn tôi, trong một lần tạm biệt thành phố đã ngắt chùm bằng lăng để dưới đáy vali như một hành vi giấu diếm bảo vật gì quý giá lắm. Khê bảo phải mang đi một chút gì đương mùa của Huế, một màu gì của Huế chớ không thôi khó lòng rời gót. Nghĩ người đâu mà chưa chi đã bày đặt hơi hướm bà cụ non, mang chi không mang lại mang hoa tươi, rồi mấy tiếng tàu xe lỉnh kỉnh cũng bị dập nát hết, còn chi mà chơi. Nhưng tôi đã lầm, bạn mang về ép khô cả hoa lẫn lá, mộc mạc nguyên sơ, gửi hình cho coi và nhắn "Mùa hạ của Khê".
Đường đi xa nhất của bằng lăng là lối về những con hẻm tĩnh mịch bên trong thành phố. Khi mặt trời đã ngủ yên, thắp một nén nhang trầm, đứng trên ban công nhìn xuống những cây cột điện có ánh đèn vàng đậm - nơi những chùm bằng lăng đã vô sắc trong bóng tối, ngỡ ngàng nhận ra ngày và đêm chỉ cách nhau bởi hai vệt màu. Người ta có thể dùng từ hương sắc để nói về hoa nhài, hoa cau, hoa mộc... nhưng riêng bằng lăng, tôi chỉ muốn dùng từ nhan sắc. Nhan sắc ấy không đơn thuần là hình hài tím sẫm trên ngọn cây mà còn là sự đồng điệu tinh tế với đất đai mà nó nương nhờ ở lại. Bằng lăng nở, mùa hạ đã đến...
NGUYÊN HƯƠNG