Dám nghĩ dám làm

Đến thôn Thanh Lam Bồ, xã Vinh Thái, hỏi nhà chị Bướm, ai cũng biết và tận tình chỉ dẫn. Nữ chủ nhân ngôi nhà khang trang đón khách bằng nụ cười thân thiện. Chị Bướm tâm sự: “Trước, đối với gia đình tui, ngôi nhà này là niềm mơ ước. Với 3.200 m2 đất nông nghiệp, xoay xở lắm, cả nhà cũng chỉ giật gấu vá vai. Để có thêm đồng ra đồng vào nuôi con, chồng làm nghề mộc, vợ nấu chè bán. Vất vả sớm khuya, thu nhập khá hơn, nhưng không có của ăn của để. Vươn lên làm giàu là mơ ước chính đáng của tất cả mọi người, vì sao mình không dám thử? Nhiều đêm vợ chồng tui “bóp trán” suy nghĩ, nhận thấy ngay tại địa phương mình, nhiều hộ làm nông nghiệp, kết hợp nuôi vịt, nhưng không có vốn nên không thể tích trữ lúa. Đến lúc giá lúa cao, vịt không có thức ăn là lâm vào bế tắc. Nếu kinh doanh mặt hàng này, chắc chắn lãi. Nhưng kiếm đâu ra khoản vốn khá lớn ban đầu? Với niềm tin dám làm, ắt sẽ có, vợ chồng tui vạch kế hoạch kinh doanh kỹ lưỡng, tìm “mối” sẽ lấy hàng (lúa) của mình, rồi mạnh dạn huy động vốn từ người thân bạn bè…”

Chị Bướm tự hào về cơ ngơi được tạo ra từ bàn tay mình

Việc kinh doanh của vợ chồng chị Bướm ngày càng mở rộng, thu mua buôn bán lúa, gạo (lãi bình quân 20 triệu đồng/tháng); chăn nuôi vịt, lãi 20 đến 30 triệu đồng/đợt (mỗi đợt 2 tháng); mua máy xay gạo bán…; là nhà phân phối thức ăn gia cầm cho các hộ chăn nuôi với số lượng lớn (hàng nghìn con). Mỗi năm, vợ chồng chị Bướm thu lãi khoảng trên 300 triệu đồng. Hiện, vợ chồng chị phát triển 3 ha cao su ở tỉnh Đồng Nai, gần đến thời kỳ thu hoạch.

Khi bắt tay vào kinh doanh, chị Bướm gặp được “quý nhân”, là một chủ doanh nghiệp tư nhân chuyên kinh doanh lúa gạo. Qua nhiều cuộc tiếp xúc trao đổi công việc, chủ doanh nghiệp này hoàn toàn đặt lòng tin vào người phụ nữ quê, tính cách mộc mạc, chân chất, nhưng suy nghĩ sâu sắc, quyết định cho chị lấy nợ lúa với số lượng lớn. Đến lúc thu hồi vốn từ những hộ chăn nuôi, chị Bướm mới thanh toán cho chủ doanh nghiệp. “Nếu chủ doanh nghiệp đó không tin tưởng, trao cơ hội, chắc chắn việc kinh doanh của tui không thể thành công như hôm nay. Khắc ghi ân tình, tui càng không thể ngã lòng khi gặp khó khăn, thất bại”- Chị Bướm thấm những giọt xúc động nơi khoé mắt, bằng đôi bàn tay thô ráp.

Quyết không phụ lòng tin của người khác, không để tiền giao cho mình bị mất, đồng thời phải nhân lên những đồng vốn quý giá, chị Bướm càng thận trọng, tìm hiểu kỹ khách mua hàng, đảm bảo họ không những có đầu óc làm ăn mà quan trọng nhất là biết giữ chữ tín. Vậy nên, công việc kinh doanh càng phát triển, bền vững.

“Chạm đến thành công”

Trước lúc trở thành chủ nhân của thương hiệu “Tương măng Hoàng Cúc” được nhiều người, nhiều địa phương biết tiếng, chị Cúc và gia đình gặp muôn vàn khó khăn. Con đầu lòng bị khuyết tật, chồng là bộ đội thường xuyên xa nhà, một mình chị Cúc vừa chăm sóc hai con nhỏ, vừa cáng đáng tất cả mọi công việc. Nhưng khó khăn lại là động lực để chị Cúc vươn lên.

Năm 2011, cơ sở chị Cúc đào tạo nghề cho 30 học viên. Sau khi ra nghề, 10 chị làm tại cơ sở, những chị khác tận dụng công nhàn rỗi làm thêm, tạo thêm thu nhập. Sản phẩm tương măng của cơ sở chị Cúc được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu huyện Phong Điền, và tỉnh Thừa Thiên Huế. Năm 2012 cơ sở được Bộ Khoa học Công nghệ chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ “Tương măng Hoàng Cúc”…

Gia đình chị, đời trước truyền lại cho đời sau bí quyết chế biến măng trộn ớt, thành sản phẩm tương măng, hương vị thơm cay, hơi chua, rất hấp dẫn, không hoá chất độc hại, có thể ăn sống, ăn với rau, thịt luộc hoặc kho với cá, thịt... Nhiều “phen” suy nghĩ, chị Cúc bỗng nhận ra “lối đi ngay dưới chân mình”. Người phụ nữ tháo vát quyết định, món tương măng sẽ không “dừng lại” trong mâm của cơm gia đình, mà phải được phát triển ra thị trường. Cùng với quảng bá sản phẩm, được nhiều khách đến Phong Mỹ thưởng thức và ưa chuộng, chị Cúc bắt đầu khảo sát tìm hiểu, mở rộng thị trường. Ban đầu khó khăn về vốn, chị Cúc được Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay với lãi suất thấp, nhưng số tiền chẳng thấm vào đâu. Liều vay thêm ngân hàng 50 triệu đồng và huy động từ bạn bè... chị Cúc đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị máy móc, phục vụ sản xuất. Sản phẩm tương măng của chị Cúc được quảng bá trong các hội chợ, festival làng nghề truyền thống của huyện, tỉnh Thừa Thiên Huế và một số tỉnh khác, “đi” vào siêu thị Co.op Mart Huế, nhiều cơ sở kinh doanh, nhà hàng, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Từ nghèo khó, chị Bướm và chị Cúc cùng gia đình nỗ lực vươn lên làm giàu từ bàn tay, khối óc. Vậy nhưng, theo cách nói khiêm tốn của các chị, họ mới chạm đến thành công. Mỗi ngày sống đồng nghĩa với từng ngày họ khát vọng vươn lên phía trước, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển của xã hội.

Bài và ảnh: Quỳnh Anh