Các máy chủ chuyên về an ninh mạng tại một diễn đàn an ninh mạng quốc tế. Ảnh: AFP

Nguy cơ này càng đáng quan ngại hơn, khi các quốc gia thành viên ASEAN hội nhập hơn thông qua thương mại, dòng vốn và kết nối, được thúc đẩy bởi Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư.

Theo một báo cáo của hãng tư vấn quản lý toàn cầu AT Kearney, các quốc gia ASEAN cũng đang được sử dụng như các bệ phóng cho những cuộc tấn công mạng. Đáng chú ý, Singapore đã là mục tiêu của 3 cuộc tấn công mạng lớn liên tục vào tháng 2, 5 và 6 hồi năm ngoái.

Tác động tài chính của các cuộc tấn công mạng cũng rất nghiêm trọng. Tổn thất toàn cầu của vi phạm dữ liệu dự kiến ​​ở mức 2,1 nghìn tỷ USD đến năm 2019. Trong khi đó, những cuộc tấn công này có thể khiến các công ty ở Đông Nam Á tổn thất tới 750 tỷ USD vốn hóa thị trường.

Một báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường Gartner chỉ ra, đến năm 2020, 100% doanh nghiệp lớn sẽ được yêu cầu báo cáo cho ban giám đốc của họ về những vấn đề liên quan đến an ninh mạng và rủi ro công nghệ ít nhất mỗi năm một lần, tăng so với con số hiện tại là 40%.

Chỉ tính riêng hồi năm ngoái, tổng tổn thất an ninh mạng ở khu vực Đông Nam Á ước tính khoảng 1,9 tỷ USD. Con số này được dự kiến ​​tăng lên 5,45 tỷ USD đến năm 2025. Tuy nhiên, điều đáng quan ngại là khu vực này vẫn ở tình trạng dễ bị tấn công, bởi được đầu tư tương đối ít so với các thị trường khác trên thế giới.

Trong số các quốc gia ASEAN, Singapore được xếp hạng đầu tiên về chi tiêu an ninh mạng ở mức 0,22% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2017, trở thành quốc gia duy nhất trong khu vực phân bổ nhiều hơn mức trung bình toàn cầu ở mức 0,13% GDP.

Malaysia và Thái Lan theo sau Singapore về đầu tư an ninh mạng trong năm 2017, tương ứng với 0,08% và 0,05% GDP. Nhìn chung, các quốc gia thành viên ASEAN chỉ chi 0,06% GDP vào an ninh mạng.

Hiện một số biện pháp phòng ngừa có thể được các Chính phủ áp dụng trong khu vực, nhằm ngăn chặn sự tấn công của tội phạm mạng. Đầu tiên và trên hết là việc đào tạo và xây dựng năng lực ở các quốc gia thành viên ASEAN, tập trung vào cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông có chất lượng cao, cũng như kỹ năng lành nghề để có thể chống lại các cuộc tấn công.

Ngoài ra, một khu kinh tế có bảo mật mạng hoạt động phù hợp với các tiêu chuẩn an ninh mạng quốc tế nên được thiết lập, nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng từ thiết kế đến giao hàng, đồng thời xác định sự an toàn của sự chuyển giao này. Điều đó sẽ bảo vệ thương mại trên toàn khu vực, như một bước quan trọng để đảm bảo sự ổn định rộng hơn trong bối cảnh tội phạm mạng gia tăng.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ The ASEAN Post & Esecpro)