Trước hết là tổn thất về con người. Trước khi cơn bão số 11 đổ bộ vào bờ, trên địa bàn tỉnh có 2 em nhỏ ở xã Lộc Tiến (huyện Phú Lộc) đi câu bị sóng cuốn và 2 trường hợp bị chết đuối do lũ cuốn sau khi cơn bão đi qua. Đó là trường hợp của Nguyễn Văn Hậu, 37 tuổi, ở xã Quảng An (huyện Quảng Điền) chết do bị lật xuồng; Đào Hữu Phúc, 18 tuổi ở xã Phú Hồ (huyện Phú Vang) sẩy chân bị lũ cuốn. Điều này cho thấy, trong cơn bão thiệt hại về người là không đáng kể do mọi người có sự chủ động phòng bị. Còn trước và sau khi cơn bão đổ bộ vào đất liền thiệt hại về người lớn hơn rất nhiều do chủ quan và thiếu sự quản lý chặt chẽ của gia đình và chính quyền các cấp. Trong phòng chống bão lụt, phương châm “tự quản tại chỗ” cũng được tỉnh ta sáng tạo và áp dụng triệt để gần chục năm nay. Phương châm này cần tiếp tục được quán triệt và thực hiện nghiêm túc từ tỉnh đến cơ sở và mỗi gia đình.

Thứ hai, trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thiệt hại lớn nhất trong cơn bão số 11 vừa qua là cây cao su, với khoảng 190 ha bị gãy đổ. Đây là cây công nghiệp dài ngày, vốn đầu tư lớn, nhưng khả năng chống chịu gió bão thấp. Để trồng được 1 ha cao su người dân phải đầu tư hàng trăm triệu đồng, sau 5-7 năm mới bắt đầu có thu hoạch. Vẫn biết cao su đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo, làm giàu, nhưng cũng không ít gia đình rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần, đối diện với nguy cơ tái nghèo chỉ sau một cơn bão. Đây không phải là lần đầu và chắc chắn chưa phải là lần cuối người trồng cao su phải đối mặt. Vì vậy, với vùng đất thường xuyên chịu ảnh hưởng bão lụt như tỉnh ta cần có những tính toán, điều chỉnh cho phù hợp trong việc trồng cây cao su. Ngoài việc đánh giá về thổ nhưỡng, cần có sự khảo sát kỹ địa hình, tránh trồng cao su ở những khu vực thường xuyên hứng chịu những luồng gió bão. Đồng thời, cần nghiên cứu tìm ra giống cây cao su có khả năng chống chọi với gió bão cao để giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra.
 
Thứ ba, khi cơn bão số 11 chuẩn bị đổ bộ vào đất liền, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao kiểm tra công trình thủy điện Hương Điền. Qua kiểm tra cho thấy, đơn vị này xả lũ với lưu lượng thấp hơn rất nhiều so với yêu cầu. Thực ra, vấn đề tích nước và xả lũ là công việc cần phải thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt, khoa học. Nếu không tính toán kỹ, xả nước sớm với lưu lượng lớn trong khi lượng nước về ít thì các hồ sẽ không tích đủ nước phục vụ phát điện, tưới tiêu. Ngược lại, tích nước sớm khi lũ về sẽ xả ồ ạt, gây ngập lụt lớn và kéo dài cho vùng hạ du; thậm chí có nguy cơ vỡ hồ, đập. Điều này vừa xảy ra ở một số địa phương như Hà Tĩnh, Quảng Nam, Kon Tum… Vì vậy, cần có sự quản lý, giám sát chặt chẽ hơn quy trình vận hành của các hồ thủy điện để đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu tích nước phát điện và điều tiết lũ lụt.
Hoàng Giang