Mô hình trồng tràm gió nguyên liệu đã và đang mang lại hiệu quả cao
Điểm tựa cho hội viên
Là một trong những hộ nghèo của thôn Thủy Dương, xã Lộc Tiến, ông Nguyễn Kính gặp không ít khó khăn vì không có vốn phát triển kinh tế. Năm 2014, ông vay 3 triệu đồng từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân (quỹ) của chi hội để phát triển chăn nuôi. Với vài chục con gà lúc mới đầu tư, đến nay ông đã phát triển thêm đàn gà và nuôi thêm trâu. Sau 2 năm vay vốn, gia đình ông thoát nghèo.
Ông Trần Tuất, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Thủy Dương cho biết: Nguồn vốn vay không lớn nên chúng tôi chỉ tập trung hỗ trợ một số hộ thật sự khó khăn. Chi hội thường xuyên chia sẻ cho những HV khó khăn kinh nghiệm cũng như mô hình phát triển tốt để họ học hỏi; bám sát từng hộ vay kịp thời giúp đỡ họ trong phát triển kinh tế. Đối với những hộ quá khó khăn, chi hội đề xuất hội cấp trên hỗ trợ con giống, vật tư phương tiện giúp họ phát triển sản xuất.
Dẫn chúng tôi thăm mô hình ươm cây giống và xây dựng vùng nguyên liệu dầu tràm do quỹ hỗ trợ, ông Nguyễn Viết Du, Chủ tịch HND xã Lộc Thủy chia sẻ: Địa phương có thế mạnh trong xây dựng và phát triển thương hiệu dầu tràm Lộc Thủy. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu ngày càng khan hiếm, người sản xuất dầu tại địa phương phải mua nguyên liệu từ các huyện lân cận và Quảng Trị, Quảng Bình. Trong khi những vùng này chất lượng nguyên liệu kém hơn so với nguyên liệu địa phương, cộng thêm chi phí vận chuyển làm đội giá thành.
Khó khăn trên phần nào được giải quyết khi HND tỉnh tiến hành hỗ trợ dự án (DA) phát triển vùng nguyên liệu sản xuất dầu tràm tại địa phương. Với số tiền hỗ trợ vay vốn 500 triệu đồng, 10 hộ tham DA đầu tư phát triển gần 10 ha tràm gió nguyên liệu.
Anh Nguyễn Xuân Vinh, thôn Nam Phước, người trực tiếp hưởng lợi từ DA cho hay, với giá nguyên liệu thu mua tại thời điểm này là 3.700 đồng/kg, 3 năm đầu mỗi ha tràm gió nguyên liệu cho thu nhập trên 30 triệu đồng, càng về sau thu nhập sẽ càng cao khi cây sinh trưởng và phát triển tốt. Trên cơ sở xây dựng vùng nguyên liệu, anh Vinh bắt tay xây dựng vườn ươm cây giống, cung cấp cho người dân trong vùng và mở rộng diện tích trồng tràm gió. Với việc hỗ trợ phát triển mô hình này, gia đình anh thu nhập mỗi năm gần 100 triệu đồng.
Hỗ trợ theo chiều sâu
HND Phú Lộc đang quản lý nguồn vốn quỹ cấp tỉnh, Trung ương là 2,8 tỷ đồng/9 dự án (DA)/97 hộ vay vốn; đã giải ngân 4,2 tỷ/15 DA/174 lượt hộ vay vốn. Hội nhận ủy thác cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn thông qua kênh Ngân hàng Chính sách Xã hội. Tính đến quý 1/2018, hội đang quản lý 124 tổ tiết kiệm và vay vốn, với 4.761 hộ vay, dư nợ đạt trên 118 tỷ đồng. Thực hiện thỏa thuận liên ngành với Ngân hàng NN&PTNT, hội cơ sở đã thành lập 23 tổ liên kết với 201 hộ vay, dư nợ đạt 14,3 tỷ đồng. |
Không dừng lại ở việc hỗ trợ HV vay vốn phát triển sản xuất, HND Phú Lộc vận động HV, nông dân tham gia tổ hợp tác: nuôi lợn nái, trâu bò sinh sản, trồng cây ăn quả, xây dựng vùng nguyên liệu dầu tràm; đổi mới nội dung tư vấn, hỗ trợ vốn, giống, khoa học kỹ thuật, dạy nghề, đào tạo việc làm cho hàng ngàn HV.
Bà Đặng Hoàng Ái Thụy, Chủ tịch HND huyện Phú Lộc đánh giá: Việc hỗ trợ, định hướng cho HV, nông dân phát triển sản xuất không chỉ giúp hình thành nên các vùng chuyên canh cây trồng, phát triển vật nuôi phù hợp với định hướng địa phương mà còn giúp HV nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Nếu thu nhập bình quân đầu người của huyện năm 2012 chỉ là 29 triệu đồng, đến cuối năm 2017, con số này đạt 42 triệu đồng/người/năm. Hằng năm, toàn huyện có trên 4.500 hộ nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp
Tiếp tục hỗ trợ HV phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu ngoài đẩy mạnh phối hợp hỗ trợ HV vay vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, thời gian tới, HND Phú Lộc tập trung hỗ trợ HV theo chiều sâu. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ hỗ trợ, quảng bá sản phẩm cho nông dân, kết nối các mô hình phát triển kinh tế với các đơn vị doanh nghiệp các đầu mối phân phối tiến tới xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, mô hình ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản.
Bài. ảnh: Hoàng Loan