Phía dưới phần mộ họ Lê Văn, còn có nhiều phần mộ của các họ phái khác. Hàng năm, con cháu họ Lê Văn vẫn nhang khói, 3 năm tảo mộ một lần. Nhưng hiện nay, gia đình ông Lưỡng đã đào bia đá, san lấp mặt bằng các ngôi mộ, đổ vật liệu để xây dựng tường rào, nhà cửa... gây bức xúc cho con cháu trong họ tộc; đề nghị chính quyền các cấp có biện pháp buộc gia đình ông Lưỡng phải di chuyển vật liệu, khôi phục lại nguyên trạng phần mộ của họ Lê Văn.

Ông Nguyễn Lưỡng cho biết: Trong vườn ông ở, phía sau có 2 ngôi mộ xưa thuộc Phái ở Thuỷ Xuân. Cách đây gần 20 năm, Phái đã dời và cải táng tại thôn Hạ 2, Thuỷ Xuân, gần Chùa Bảo Lâm. Khi gia đình ông đo đạc để làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), nhận thấy phần đất mộ, (nhưng trên thực tế không có mộ) nên không đưa vào bản vẽ. Mộ đã dời nên từ lâu không thấy ai đến viếng nữa. Trải qua nhiều trận lụt bão, đất mộ đã dời, mềm, nên sụt lún, lâu ngày phẳng dần. Gần đây, ông đã được cấp GCNQSDĐ, nên tu bổ hàng rào, phát quang vườn, có di chuyển một số gạch và xà bần về để làm lối đi, nên để tạm (để nhờ) gạch lan qua phần mộ đã dời, sau sẽ chuyển.

Ông Hoàng Thành, nguyên Tổ trưởng tổ 2 KV3 (nay là tổ 17 KV6, phường Trường An) xác định: các ngôi mộ nêu trên đã được di dời trước năm 1999. Việc cách đây 2 năm họ Lê Văn thăm viếng mộ là không có. Ông Thành và ông Hoàng Dũng, là hàng xóm lân cận của gia đình ông Lưỡng cho biết: không có việc gia đình ông Lưỡng đào bia đá và san lấp bằng các ngôi mộ.
 

Đất mộ đã di dời

Bà Đỗ Thị Thanh Mai, Chủ tịch UBND phường Trường An cho biết: UBND tỉnh và TP Huế có chủ trương về việc di dời các ngôi mộ còn nằm xen kẽ trong khu dân cư ra khỏi thành phố. Để thực hiện chủ trương trên, nhằm tránh tình trạng người dân tự thoả thuận với các gia đình có mộ tự di dời đi nơi khác, để sử dụng đất, gây khó khăn cho Nhà nước trong quản lý đất đai, phường có Công văn số 34 ngày 20/5/2009 gửi UBND TP và các cơ quan chức năng, đề xuất một số biện pháp nhằm thực hiện tốt công tác di dời mồ mả, quản lý việc sử dụng đất; được UBND TP Huế đồng ý, và có Công văn số 1409/UBND ngày 06/6/2009 gửi UBND phường Trường An, giao trách nhiệm cho UBND phường, các cơ quan liên quan phối hợp, thực hiện việc di dời đúng qui định.  

Theo đó, các hộ có mộ phải di dời, phải có đơn gửi UBND, nêu rõ mối quan hệ với các ngôi mộ di dời, có xác nhận của chính quyền địa phương. Đơn xin bố trí đất cải táng (trong trường hợp chưa có đất), có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc có hoá đơn nộp tiền mua đất cải táng của Công ty TNHHNN một thành viên Môi trường và công trình đô thị Huế. Trong quá trình di dời, UBND phường phối hợp với ban cán sự tổ dân phố nơi có mồ mả, cắm mốc, lập biên bản xác nhận hiện trạng mồ mả di dời. Sau đó chuyển biên bản cho Trung tâm quản lý nhà và đất của TP Huế, lập phương án bán đấu giá.
 
Sau khi nhận đơn khiếu nại, tố cáo của ông Lê Văn Tịnh, UBND phường đã có buổi làm việc với các bên liên quan. Tại biên bản làm việc ngày 14/7/2010, ông Tịnh đề nghị gia đình ông Lưỡng di chuyển vật liệu để gia đình tìm mộ, không có ý kiến gì về đất đai, tìm lại bia đá.
 
Ông Lê Văn Toàn và một số người khác, đại diện họ Lê Văn dự họp, thừa nhận: thực chất gia đình có di dời mộ nhưng tìm không ra xương cốt, nên chỉ lấy nắm đất bỏ vào tiểu, đưa đi; sau khi dời đi, có un lại nấm. Nay muốn khảo sát tìm lại, để trong gia tộc được yên tâm.
 
UBND phường kết luận: Đơn của ông Tịnh cho rằng gia đình ông Lưỡng xâm phạm mồ mả, là không đúng. Về phần mộ họ tộc Lê Văn tại địa điểm nói trên, họ tộc đã tự nguyện di dời đi nơi khác. Đất cải táng, do họ lo liệu. Phần đất mộ, họ tộc Lê Văn muốn khảo sát lại, thì phải làm đơn theo mẫu, như đã nói trên. Gia đình ông Lưỡng phải trừ lối đi và cắm mốc lối đi trên thực tế, theo đúng GCNQSDĐ; di chuyển vật liệu xây dựng ra khỏi khuôn viên đất mộ.
 
Bài, ảnh: Quỳnh Anh