Hỏi thăm một cô bé cùng lớp con trai đang còn ở hành lang mới biết, cháu có việc phải lên phòng Đội gặp thầy tổng phụ trách. Yên tâm chuyện “cậu ấm” rồi, tôi sực nhớ đến những chiếc quạt máy và hệ thống đèn chiếu sáng trong lớp học chưa tắt, tôi nhắc nhở: “Hình như lớp cháu chưa tắt quạt”. Cô bé ngơ ngác trước câu hỏi của tôi, khi hiểu ra cô chỉ trả lời bằng một cái lắc đầu rồi chạy vội ra cổng với mẹ. Về đến nhà, tôi đem câu chuyện những chiếc quạt hỏi con trai, cu cậu trả lời nhanh: “Lớp mô cũng rứa mà mẹ, cứ để rứa rồi các bác lao công sẽ tắt”.

Theo tính toán của một thợ điện, hệ thống quạt và đèn chiếu sáng của mỗi phòng học chạy trong 4 tiếng đồng hồ mất chừng 1 chữ điện. Với một trường trung học cơ sở có hàng chục lớp học cho 4 khối, nếu nhân lên chắc sẽ có một con số nhất định cho việc lãng phí điện mỗi ngày và sẽ là con số đáng kể hàng tháng, hàng năm.

Trường học nào cũng có những nội quy rất nghiêm ngặt với học sinh, như: Đi học đúng giờ, không được để chuông điện thoại reo trong giờ học, không được đeo thắt lưng quá lớn… ai vi phạm sẽ bị xử phạt thông qua việc đánh giá hạnh kiểm hàng tuần, hàng tháng. Hầu hết học sinh đều thực hiện nội quy rất tốt. Bên cạnh đó, lớp học nào cũng có học sinh trực nhật, những em đến phiên trực phải có trách nhiệm mang hoa, trải khăn lên bàn giáo viên… Vậy tại sao nhà trường không yêu cầu các lớp giao trách nhiệm cho học sinh trực nhật tắt hệ thống quạt và đèn chiếu sáng sau buổi học để tiết kiệm điện?

Dù chỉ là việc làm nhỏ, song nếu làm được điều đó không chỉ góp phần tiết kiệm tiền điện cho nhà trường, tiết kiệm năng lượng cho đất nước mà còn giáo dục ý thức về tinh thần tiết kiệm và phòng chống cháy nổ cho học sinh.

Đăng Việt