Ảnh minh họa: Ctv News

Theo đó, các khoản chi phí bao gồm lương hưu, bao hiểm y tế dự kiến sẽ tăng từ 121,4 nghìn tỷ Yên (1,11 nghìn tỷ USD) trong năm tài khóa 2018 lên thành 190 nghìn tỷ Yên trong năm tài khóa 2040. Điều này tương đương với việc chi phí phúc lợi xã hội sẽ có giá trị tương ứng khoảng 24% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản.

Triển vọng về chi phí an sinh xã hội của nước này được tuyên bố sau khi kết thúc cuộc họp của hội đồng chính sách kinh tế Nhật Bản, với sự tham gia của các thành viên nội các bao gồm: Thủ tướng Shinzo Abe, lãnh đạo Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda....

Trong tổng số chi phí dự trù, lương hưu được dự đoán sẽ tăng lên từ 56,7 nghìn tỷ Yên lên thành 73,2 nghìn tỷ Yên, chi phí sử dụng cho các dịch vụ y tế cũng có thể tăng lên tới 68,5 nghìn tỷ Yên. Thêm vào đó, khoản ngân sách chi trả cho điều dưỡng dự kiến sẽ tăng gấp đôi lên thành 25,8 nghìn tỷ Yên và chi phí phúc lợi cung cấp cho việc nuôi con sẽ tăng lên từ 7,9 nghìn tỷ Yên lên thành 13,1 nghìn tỷ Yên.

Ngoài các chi phí phúc lợi xã hội, tình hình gia tăng dân số cũng sẽ đòi hỏi số lượng lao động làm việc trong ngành y tế và điều dưỡng nhiều hơn. Cụ thể, số lượng công, nhân viên trong ngành vào năm 2040 dự kiến sẽ đạt 10,65 triệu người, chiếm 18,8% lực lượng lao động toàn quốc, mức tăng khá lớn so với tỷ lệ 12,5% của hiện nay.

Đan Lê (Lược dịch từ Japan Times)