Chăn nuôi gà quy mô trang trại cho hiệu quả cao

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền, ông Nguyễn Ngọc Tiến đánh giá, vài năm trở lại đây, các HTX bám sát thực tế địa phương lập quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp từng vùng đất, xứ đồng, bước đầu đã hình thành một số vùng sản xuất hàng nông sản tập trung, có giá trị kinh tế.

Xác định lúa là cây chủ lực, huyện Quảng Điền từng bước chuyển sang sản xuất theo hướng cánh đồng lớn, đưa các loại giống mới, chất lượng có giá trị cao như HT1, Iri352, XT27, HN6... vào gieo cấy khoảng 2.000 ha. Giá trị bình quân khoảng 75 triệu đồng/ha.

Một số cây trồng có giá trị cao như rau sạch Quảng Thành, thị trấn Sịa, rau má Quảng Thọ, mía Quảng Phú, khoai lang Quảng Công, dưa Quảng Lợi, mướp đắng, bầu trái vụ ở Quảng Thái... với diện tích hàng trăm ha, giá trị bình quân từ 200-250 triệu đồng/ha. Riêng mô hình trồng hoa trên địa bàn huyện ước tính giá trị bình quân 500 triệu đồng/ha. Mô hình kinh tế trang trại trên vùng trằm cát mở ra nhiều cơ hội làm giàu chính đáng cho người dân.

Nuôi trồng thủy sản (NTTS) đang trong tiến trình thâm canh, chuyên nghiệp hóa, xen ghép, đa dạng nhiều đối tượng có giá trị kinh tế. Diện tích NTTS nước lợ những năm gần đây duy trì 635 ha, chủ yếu nuôi tôm sú, cua, cá chẽm, cá hồng mỹ... Giá trị sản lượng bình quân đạt 100 triệu đồng/ha, tăng 35 triệu đồng so với cách đây 5 năm. Gần đây, huyện nuôi thử nghiệm thành công và nhân rộng mô hình ươm cá dìa, nuôi lươn đồng, cá lóc trong bể, nuôi xen ghép tôm- cua trong ao, mô hình cá-lúa-vịt...

Theo hướng sản xuất hàng hóa

Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, ông Nguyễn Đình Đức thông tin, trước yêu cầu mới, Quảng Điền tập trung tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, thích ứng với biến đổi khí hậu, khắc phục khó khăn, hạn chế nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng.

Các địa phương hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, chuyên canh, tập trung theo “chuỗi giá trị”, an toàn dịch bệnh, cơ cấu lại lịch thời vụ đối với một số loại cây trồng và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học vào sản xuất.

Một số chính sách tiếp tục được triển khai, hỗ trợ người dân đầu tư phát triển chăn nuôi, ưu tiên các mô hình trang trại, gia trại, nuôi công nghiệp ở vùng được quy hoạch đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường.

Kinh tế trang trại trên vùng cát được xem là mũi nhọn trong phát triển kinh tế của huyện, chủ yếu chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung gắn với chế biến và bảo vệ môi trường. Các địa phương, ban ngành rà soát quỹ đất, giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các hộ dân có đủ điều kiện phát triển trang trại.

Các địa phương đang tiến hành quy hoạch chi tiết NTTS vùng đầm phá và vùng cát ven biển kết hợp với đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng đa mục tiêu, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái. Một số diện tích ở vùng ruộng mơn sâu, nhiễm mặn của hai xã Quảng Công, Quảng Ngạn sẽ chuyển sang nuôi thủy sản nước lợ với khoảng 40 ha.

Diện tích nuôi xen ghép tôm-cua-cá và nuôi chuyên cá được duy trì, phát huy, khuyến khích sử dụng chế phẩm sinh học và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, hạn chế dịch bệnh, tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn. Về lâu dài, huyện có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở, hộ nuôi trên địa bàn tổ chức ương giống, chủ yếu các đối tượng nuôi như cá chẽm, tôm sú, cá dìa, cua đáp ứng nhu cầu giống của các địa phương.

Nuôi thủy sản nước ngọt theo hướng đa dạng hình thức như nuôi thâm canh cá ao hồ, nuôi cá lồng trên sông, đầm phá, nuôi kết hợp lúa-cá- vịt, nuôi trong bể xi măng hoặc lót bạt... Các diện tích chân ruộng trũng, sản xuất lúa kém hiệu quả ở Quảng Lợi, Quảng Thái sẽ chuyển sang nuôi cá. Các địa phương nuôi thêm một số thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao như cá chình, ếch, lươn, ba ba, cá lóc, cá chạch và du nhập các loại thủy sản mới.

Từ nay đến năm 2020, huyện Quảng Điền chủ động tranh thủ các nguồn lực, đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi Ninh- Hòa- Đại; các công trình đảm bảo an toàn hồ chứa, đê bao Nho Lâm- Nghĩa Lộ, đê ngăn mặn ven phá; hoàn thiện hệ thống thủy lợi đảm bảo phục vụ tưới, tiêu; xây dựng các trạm bơm điện mini thay thế dần các trạm bơm dầu. Hệ thống giao thông, cầu cống, kênh rạch nội đồng được nâng cấp, cứng hóa, tạo điều kiện cơ giới hóa trong sản xuất và thu hoạch.

Bài, ảnh: Hoàng Triều