Một lần vì là ngày ăn “lạt”, lại bận công việc không về nhà nên tôi vào quán hỏi mua 10.000 đồng cơm trắng (không thức ăn), thay vì vẻ đon đả như mọi lần, lần này cô chủ quán mặt lạnh băng, khó chịu: “Quán không bán cơm trắng”. Có lẽ do chỉ mua cơm trắng nên tôi bị xếp vào “loại” khách hàng… “hoàn cảnh”, bị từ chối thẳng thừng. Ra khỏi quán, tôi chưng hửng vừa bực bội.  

Bước chân đâm ra ngại ngùng khi vào một quán cơm khác. Đang chuẩn bị giải thích lý do vì sao chỉ mua cơm trắng nếu như lại bị đối xử như cô chủ quán cơm “quen”, tôi nhẹ cả người khi chị chủ quán nhanh nhẹn phục vụ khách hàng. Tôi đưa tờ 10.000 đồng chị lại còn thối lại 5.000 đồng. Ngạc nhiên, nhưng chưa kịp hỏi, chị đã giải thích: “Một suất cơm trắng thì chỉ 5.000 đồng thôi. Nếu em vẫn mua 10.000 thì chị sẽ đưa thêm suất nữa”. Vậy là chủ quán không những không từ chối khi khách hàng chỉ mua món hàng ít tiền, chị lại còn chỉ nhận số tiền đúng với giá trị món hàng. 5.000 đồng chị trả lại khách hàng là số tiền  “nhỏ nhoi”, nhưng biểu hiện sự trung thực, một điều đáng quý, đáng trân trọng trong làm ăn buôn bán nói riêng và trong cuộc sống.

Nỗi bực bội lúc nãy trở nên nhạt nhòa trước một niềm vui trong trẻo. Tôi nhớ lại những lần được các chị, các mệ hàng rau, hàng cá, hàng đồ vặt ở chợ Bến Ngự tự động trả lại tiền khách hàng đưa nhầm (mà có lần tôi nhầm tờ 500.000 đồng với tờ tiền mệnh giá 20.000 đồng). Cuộc sống lam lũ, kiếm từng đồng tiền lẻ, nhưng không hề tham lam, hành động của họ góp làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Quỳnh Anh