Sự kiện đóng cửa cơ sở hạt nhân này dự kiến diễn ra vào bất cứ thời điểm nào trong khoảng thời gian từ ngày 23-25/5, tùy vào điều kiện thời tiết. Đây được cho là một bước đi quan trọng hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên, thể hiện thiện chí của Triều Tiên trước Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều.

Các nhà báo quốc tế ngày 23/5 đã đến thành phố biển Wonsan của Triều Tiên để tham dự sự kiện đóng cửa cơ sở hạt nhân Punggye-ri. Ảnh chụp từ vệ tinh bãi thử hạt nhân Punggye-ri: Reuters

Triều Tiên trước đó tuyên bố mời các phóng viên từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Mỹ và Anh tới dự sự kiện đánh dấu việc đóng bãi thử hạt nhân Punggye-ri ở miền Bắc. Quy trình đóng cửa gồm đánh sập các đường hầm bằng thuốc nổ, bịt kín cổng vào hầm, tháo dỡ mọi đài quan sát, cơ sở nghiên cứu và trạm an ninh ở khu vực bãi thử.

Trong một thông tin tích cực đưa ra, Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 23/5 cho biết, Triều Tiên đã chấp nhận danh sách các phóng viên Hàn Quốc tới đưa tin việc đóng bãi thử hạt nhân. Trước đó, Hàn Quốc lấy làm tiếc trước quyết định của Triều Tiên từ chối tiếp nhận danh sách này.

Đánh giá về quyết định đóng cửa cơ sở hạt nhân của Triều Tiên, người phát ngôn văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Kim Eui-kyeo nhấn mạnh: “Hàn Quốc hoan nghênh quyết định này của Triều Tiên, thể hiện việc nước này sẵn sàng giữ cam kết đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều, bằng những hành động cụ thể chứ không đơn thuần chỉ là lời nói”.

Quyết định đóng cửa bãi thử hạt nhân của Triều Tiên đưa ra ngay trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp tới. Dư luận đang mong chờ cái bắt tay lịch sử giữa Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, cảnh báo của Triều Tiên gần đây có thể hủy bỏ hội nghị hay việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 22/5 nhận định, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều có thể không diễn ra theo kế hoạch, đang phủ bóng lên hi vọng của dư luận về cuộc gặp quan trọng này. 

Mặc dù vậy, giới quan sát cho rằng, đây chỉ là các tuyên bố mang tính chất thăm dò, nhằm đánh giá mức độ nhượng bộ lẫn nhau trước khi hai bên chính thức ngồi vào bàn đàm phán. Thực tế, cả Mỹ và Triều Tiên vẫn đều có thành ý để thực hiện cuộc gặp lịch sử này.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 22/5 cho biết, nước này đã hoàn toàn sẵn sàng cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên. Mỹ sẽ làm mọi điều có thể để cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra thành công. Ngoại trưởng Mỹ cũng cho rằng, Trung Quốc đã có "sự hỗ trợ mang tính lịch sử" trong chiến dịch gây sức ép đối với Triều Tiên. 

Trong nỗ lực thuyết phục Tổng thống Donald Trump tiếp tục tham gia đối thoại với Triều Tiên, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 22/5 bày tỏ tin tưởng cuộc gặp sẽ diễn ra thành công: “Tôi tin tưởng rằng, Tổng thống Donald Trump có đủ khả năng để đảm bảo Hội nghị thượng đỉnh sắp tới thành công, chấm dứt chiến tranh liên Triều đã kéo dài hơn 65 năm qua. 

Còn một con đường dài phải đi để phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên cũng như con đường dài bình thường hóa giữa Mỹ và Triều Tiên. Tuy nhiên tôi tin tưởng rằng, Tổng thống Donald Trump có thể tạo ra bước ngoặt lịch sử và tôi sẽ không ngừng nỗ lực để đưa ra sự hỗ trợ cần thiết”.

Bất chấp cảnh báo của Triều Tiên gần đây rút khỏi Hội nghị, nhưng việc nước này ngày 22/5 tiếp tục nhất trí nối lại các cuộc đối thoại cấp cao liên Triều, cũng như chấp nhận các nhà báo Hàn Quốc đưa tin về sự kiện đóng cửa bãi thử hạt nhân, cho thấy mong muốn của Triều Tiên không muốn tạo ra rào cản trước hội nghị. Và sự kiện quan trọng phá hủy cơ sở hạt nhân Punggye-ri - ít nhiều mang tính biểu tượng, diễn ra trong khoảng thời gian từ 23-25/5, sẽ tiếp tục là bước đi khẳng định thành ý của Triều Tiên hướng đến phi hạt nhân hóa hoàn toàn, cũng như thiện chí rõ ràng của Triều Tiên trước Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều vào ngày 12/6 tới tại Singapore./.

Theo VOV