Ớt Phong Điền đã vào vụ thu hoạch

Thật ra trước ớt, và trước đây vài ba năm trở lại, câu chuyện giải cứu dưa hấu ở Quảng Ngãi, Quảng Nam; giải cứu củ cải Mê Linh (Hà Nội), su hào ở Hải Dương, bí đao và cả hành tím ở Sóc Trăng, khoai tây ở Đà Lạt; bí đỏ, bí xanh ở Quảng Ngãi, Nghệ An, Đắc Lắc và cả giải cứu thịt heo khi giá thực phẩm này được cho là “thủng đáy” trên diện rộng đã trở thành chuyện nhiều tập trong đời sống xã hội. Đã xuất hiện không ít những “hiệp sĩ” với nhiều cách làm sáng tạo trên cơ sở đánh thức và kêu gọi sự đồng cam, cộng khổ của người tiêu dùng với bà con nông dân. Nhưng đúng là giải cứu thì cũng chỉ một vài lần; các gia đình cũng không thể dùng mãi các loại rau củ quả hay thực phẩm nào đó trong một quãng thời gian nhất định. Việc cất trữ lâu dài lại là điều không thể khi bản thân người tiêu dùng không làm được việc này. Đôi khi, người ta sẵn lòng “giải cứu” bà con nhưng cũng có thể, việc “giải cứu” này sẽ dẫn đến một sự lãng phí tự nguyện (và được chia cho nhiều người) khi thực phẩm mua về nhưng lại không được đưa vào sử dụng. Chính vì thế mà giải cứu chỉ là một hành động tức thời, không bền vững.

Nông dân chưa thấy một lối ra nào khác ngoài việc cứ trồng lại các sản phẩm cũ. Mối quan hệ rất lỏng lẻo trong các hợp đồng giữa người làm nông với doanh nghiệp mà nông dân luôn là đối tượng chính gánh chịu rủi ro và mối quan hệ 4 nhà (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà quản lý) được nhắc đến, bàn nhiều trên các diễn đàn nghị sự nhưng xem ra, việc xác lập mối quan hệ này mới chỉ dừng lại ở một mức độ nào đó, trong một diện rất hẹp nào đó.

Trong khi người dân mang tâm thế hy vọng năm sau không rớt giá để làm đất, gieo trồng và chăm sóc vụ mới trên cánh đồng của mình, việc dự báo thị trường, quy hoạch vùng sản phẩm chuyên biệt với sự vào cuộc của các cơ quan có trách nhiệm và thẩm quyền chắc chắn cũng chưa được thực hiện một cách bài bản. Nếu có, tôi tin nó cũng mới chỉ khu trú ở một vài điểm hoặc vùng sản phẩm nào đó mà thôi, và thường thì chỉ có khi có sự tham gia của chính các doanh nghiệp có sự đầu tư và tìm thấy được lợi ích của mình, thông qua sự phối hợp và gắn kết với nhà nông, bằng việc hình thành và tạo ra giá trị bền vững của chuỗi giá trị trên các sản phẩm nông nghiệp mà họ đầu tư. Thực ra, việc xây dựng chuỗi giá trị đã là một thuật ngữ không còn mới nữa, dù đó là việc cần phải hướng đến chứ không đơn thuần chỉ mang tính thời thượng, nhưng để người dân hiểu nó như thế nào, bắt đầu từ đâu và diễn tiến của quá trình ấy ra sao... lại là điều không phải nhà nông nào cũng hiểu. Thậm chí, người ta có khi sẽ cảm thấy sốt ruột vì một cơ chế không phải ngay và luôn; hoặc không còn mấy tin tưởng vào cách đặt vấn đề và một sự vận hành thiếu thuyết phục trước những bài học nhãn tiền, khi doanh nghiệp vẫn cứ bỏ của chạy lấy người như vụ ớt chín rục ngoài đồng ở Quảng Trị.

Đó cũng là vấn đề đặt ra về mặt thị trường và khâu chế biến sản phẩm, cũng như mối liên kết để giá trị sản phẩm về đích hiệu quả. Điều này có thể tìm được đáp số bằng ví dụ khi giá ớt mà Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai bán là 40.000 đồng/kg và doanh thu từ trồng và bán ớt của tập đoàn này là 93 tỷ đồng trong năm 2017. Đó cũng là cơ sở để diện tích trồng ớt của Hoàng Anh Gia Lai trong năm 2018 vào khoảng 1.800 ha với sản lượng trên 27.000 tấn (Theo TBKTSG).

Thông tin thêm là cũng giống như người trồng ớt ở Quảng Trị, người trồng ớt ở Phong Điền cũng đang rất loay hoay trong việc tháo gỡ đầu ra cho loại sản phẩm này khi doanh nghiệp đã đầu tư ứng trước nhưng lại đang gặp trở ngại về thị trường tiêu thụ. Huyện đã liên hệ và làm việc được với doanh nghiệp khác ở Quảng Ngãi để tiêu thụ cho bà con.

Xem ra, vụ ớt năm nay thực sự cay và nóng...

Minh Hà