Đại biểu Quốc hội Võ Đình Tín (tỉnh Đăk Nông) phát biểu tại hội trường 

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có 2 loại ý kiến về hình thức tố cáo như sau: Loại ý kiến thứ nhất đề nghị bổ sung hình thức tố cáo qua bản fax, thư điện tử, điện thoại bởi hiện nay, việc chuyển tải thông tin thông qua các hình thức điện tử, viễn thông đã hết sức phổ biến. Loại ý kiến thứ hai đề nghị tiếp tục quy định 2 hình thức tố cáo như Luật hiện hành là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp.

Trong phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Võ Đình Tín tỉnh (Đăk Nông) phân tích, trong thời đại khoa học, công nghệ phát triển như hiện nay, việc sử dụng mạng xã hội email, bản fax để tố cáo, phản ánh, cung cấp thông tin những hành vi vi phạm pháp luật rất thuận tiện cho người dân.

Tuy nhiên, nếu mở rộng hình thức tố cáo sẽ dẫn đến tình trạng tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ, gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong quá trình xem xét và việc xác minh trách nhiệm của những người tố cáo sai sự thật. Đại biểu Quốc hội Võ Đình Tín đề nghị không mở rộng hình thức tố cáo mà giữ nguyên quy định của Luật Tố cáo hiện hành.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) cũng cho rằng, nếu mở rộng hình thức tố cáo qua bản fax, thư điện tử, điện thoại v.v... có thể sẽ  tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện quyền tố cáo nhưng cũng rất nhiều trường hợp lợi dụng các hình thức này hay hình thức khác để gây rối hay tố cáo sai sự thật, nếu mở rộng các hình thức tố cáo thì phải có biện pháp ngăn ngừa lợi dụng quyền tố cáo để gây rối hay gây khó khăn, phức tạp cho cơ quan quản lý nhà nước.

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) nêu quan điểm, nên mở rộng hình thức tố cáo qua bản fax, thư điện tử, điện thoại. Theo đại biểu này, cách đây 13 năm, Luật Phòng, chống tham nhũng 2005 quy định tại khoản 1 Điều 65 quy định như sau: "Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để công dân tố cáo trực tiếp, gửi đơn tố cáo, tố cáo qua điện thoại, tố cáo qua mạng thông tin điện tử và các hình thức tố cáo khác theo quy định của pháp luật". Nếu bỏ đi nội dung này thì sẽ mất đi một kênh thông tin rất quan trọng.

Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận Dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Trước đó, thảo luận Dự án Luật này tại kỳ họp thứ 4, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và nhất trí với nội dung cơ bản của dự án Luật do Chính phủ trình. Đại biểu Quốc hội cũng đã đóng góp nhiều ý kiến cho dự án Luật.

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý và gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật gồm 10 chương và 121 điều quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tố tụng cạnh tranh; xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh; quản lý nhà nước về cạnh tranh.

Tại phiên thảo luận lần này, các đại biểu cho rằng Dự thảo Luật được xây dựng cơ bản đã đáp ứng được các yêu cầu, khắc phục được những hạn chế của Luật Cạnh tranh hiện hành, bảo đảm điều tiết các quan hệ trong hoạt động cạnh tranh. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất của Luật trong hệ thống pháp luật nói chung, làm rõ hơn tính khả thi của việc mở rộng phạm vi điều chỉnh trong dự thảo Luật.

Nhật Nguyên (tổng hợp)