Tuyên truyền trực quan về tác hại của túi nilon với môi trường cũng là cách hạn chế thói quen dùng túi nilon của người dân

Lập gia đình, sống riêng, nhưng tôi luôn thèm về nhà "ngoại", vì có gia đình anh trai sống chung với ba mẹ, chị gái sống cạnh và mấy cô em chưa về nhà chồng. Cái gì mẹ làm, món gì mẹ nấu tôi đều thích, nhưng tôi chỉ “ghét” và thường “vung văng”, nhất là kiểu lạm dụng túi nilon của mẹ. Thùng rác mẹ vẫn bọc túi nilon to quanh miệng trước khi cho rác vào. Gói trái đu đủ, hay bó rau cho tôi mang vào mẹ cũng đùm 2, 3 túi lồng vào nhau. Gói con cá hay con gà cũng phải dùng bì nhiều hơn thế.

Hễ có được những chiếc túi vải dùng nhiều lần lúc đi mua hàng hay được tặng tại các cuộc hội họp, tôi thường để dành cho mẹ, cốt muốn mẹ giảm bớt dùng túi nilon. Tôi nhẩm tính số tiền mẹ dành mua túi nilon dự trữ hàng tháng tuy không nhiều bằng tiền vệ sinh môi trường nhưng vẫn thấy quá uổng phí và xót cho môi trường. Vì tổn thương và hệ lụy mà túi nilon gây ra cho môi trường đã được cảnh báo quá nhiều.

Đáng giật mình khi theo công bố của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), mỗi năm chúng ta thải ra khối lượng nhựa đủ để trải quanh trái đất bốn lần. Có khoảng 500 tỷ túi nhựa được tiêu thụ trên thế giới song phần lớn lượng rác thải nhựa không được chôn trong các bãi chôn lấp. Theo ước tính, với nhịp độ sử dụng nhựa như hiện nay, sẽ có thêm 33 tỷ tấn nhựa được sản xuất vào năm 2050 và một phần lớn trong số đó sẽ nằm trong các đại dương-nơi mà nó sẽ tồn tại trong nhiều thế kỷ.

Với đặc tính bền vững trong tự nhiên, rác thải nhựa gồm chai nhựa, túi nilon, hộp đựng đồ ăn, cốc... cùng với các chất gây ô nhiễm môi trường khác đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế, xã hội và sức khỏe con người.

Trước thực trạng chất thải nhựa đang trở thành một thách thức lớn đối với cộng đồng và xã hội, "Tháng hành động vì môi trường" và hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6) năm 2018 do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động với chủ đề "Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon" càng có ý nghĩa nhằm kêu gọi cộng đồng cùng nhau thay đổi thói quen tiêu dùng và thải bỏ chất thải nhựa.

Lâu nay, việc hạn chế sử dụng, nói không với túi nilon đã được tuyên truyền rộng khắp. Nhiều tổ chức xã hội như phụ nữ, thanh niên, các câu lạc bộ học sinh, sinh viên... đã phát động sử dụng giỏ nhựa, túi dùng nhiều lần thay cho túi nilon dùng một lần. Hay nhiều mô hình thu gom, phân loại chất thải nhựa để tái chế cũng được thực hiện, mặc dù con số này vẫn còn quá bé so với lượng thải ra.

Tuy nhiên, dù chưa mang tính sâu rộng và được duy trì, nhưng nếu không có sự khởi đầu thì sẽ lâu mới bắt đầu để dần làm thay đổi thói quen, nếp nghĩ của người sử dụng cũng như nhà sản xuất. Nên tốt hơn hết, ngay lúc này, mỗi người cần giảm bớt để tập dần "nói không với túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần". Thêm vào đó, tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại... cũng nên cắt giảm tối đa sử dụng những sản phẩm gây hại cho môi trường này để đóng gói mà nên khuyến khích và ưu đãi người mua hàng sử dụng những loại túi, hộp được làm từ vật liệu thân thiện với môi trường, dùng được nhiều lần và có khả năng tái chế, tái sử dụng. 

Bài, ảnh: Hoài Nguyên