Hai tuần sau, khi chúng tôi tìm đến, ngôi nhà của anh L sống cùng cha mẹ tại xã Quảng Thái, cửa đóng im ỉm. Những người cùng thôn cho biết, kể từ ngày vợ L ra Huế đưa con vào Nam, không chỉ mình L mà cha mẹ anh (ông bà nội cháu P) buồn rười rượi. Có lẽ, để khuây khỏa phần nào, mấy hôm nay cả gia đình vào hẳn trong trang trại, vùi đầu với công việc!

Con đường hẹp, lầy lội sau mưa bão cứ “sình lên sụt xuống”, bùn đất tung tóe, nên chỉ cách thôn gần 2 cây số, nhưng phải mất rất nhiều thời gian chúng tôi mới “lần” tới được trang trại của gia đình L. Nghe nhắc đến con, L chống cuốc đứng sững người giữa những vồng mướp đắng vừa thu hoạch xong, mặt ỉu xìu, nhưng lại sẵn sàng mở lòng tâm sự, như muốn được chia sẻ. “Con bé mới hơn 2 tuổi, lại không may bị khối u ở gan. Đã vậy, trong lúc Tòa án giao cho vợ em quyền nuôi con thì cô ấy gửi bé cho cha mẹ (ông bà ngoại cháu P) sống tại Bình Dương, để lên làm việc ở TP Hồ Chí Minh. Con còn cha còn mẹ đầy đủ, nhưng không được cha mẹ ở bên chăm sóc, phải sống với “người khác”, em sao chịu được! Vì lý do đó mà em bỏ ngang công việc đang ổn định ở TP Hồ Chí Minh, đưa con về Huế chăm sóc, chờ phẫu thuật”.

Theo nội dung Quyết định thuận tình ly hôn giữa anh L.T.L (xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) và chị Đ.T.B (huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương), thì cháu P (sinh năm 2011) được giao cho chị B trực tiếp nuôi dưỡng. Tuy nhiên, sau khi quyết định có hiệu lực pháp luật, anh L không chấp hành, mà lặng lẽ “cướp” con, đưa về Huế. Chi cục Thi hành án Dân sự (THADS) quận Bình Tân phải ủy thác cho Chi cục THADS huyện Quảng Điền, thi hành án. Tại UBND xã Quảng Thái, Chi cục THADS huyện Quảng Điền đã tổ chức thành công việc thi hành án.

L tâm sự rất thật lòng: “Để đưa được con đi, em phải lừa cha mẹ vợ. Ban đầu, họ rất cảnh giác. Cứ mỗi lần em đến thăm, xin phép đưa con ra quán gần nhà mua bánh, sữa, họ đồng ý nhưng đi theo sát rạt. Nhiều lần thấy em đến thăm con rồi “trả”, không có biểu hiện gì khác nên họ yên tâm. Hôm ấy đến, để tạo niềm tin, em giả vờ dặn mẹ vợ nấu cả phần cơm trưa của em. Khi họ mất cảnh giác, em vội vã dắt con đi luôn. Nếu sống ở TP Hồ Chí Minh, thuận tiện cho công việc, nhưng bên ngoại sẽ dễ dàng tìm cách “bắt” bé P, nên em quyết về Huế. Dù vất vả, nhưng vì tương lai của con, em tự hứa phải làm trang trại 7 ha đất này thật tốt. Em cùng gia đình gầy dựng được nào heo thịt, heo rừng giống, cá, vịt, các loại rau quả... Vậy mà giờ con không còn…”- Nói đến đây, mặt người cha “mất” con thờ thẫn.

Thực ra, ngay trong buổi sáng phải thi hành giao bé P cho người mẹ trực tiếp nuôi dưỡng, L có ý định và chuẩn bị đưa con đi giấu. Nhưng nhờ sự giải thích pháp luật, vận động thuyết phục hợp tình hợp lý của cán bộ cơ quan thi hành án, chính quyền địa phương, nên L mới tự nguyện giao bé P cho vợ cũ. “Con bé cứ tưởng cha cũng cùng đi với nó. Khi xe ô tô bắt đầu chuyển bánh, nó khóc, với tay gọi ba ơi, ba ơi, khiến em không cầm được nước mắt. Trước, em không chấp hành theo quyết định của tòa cũng chỉ vì thương con. Mong sau này con khôn lớn, nó hiểu được lòng cha”- L nghẹn ngào.

Cha L tuy ủ rũ, nhưng giọng cương quyết: “Thằng L thương con, vợ chồng tui thương cháu. Cả gia đình ai cũng muốn được nuôi dưỡng, bảo bọc cho nó. Xa con, xa cháu, chúng tôi như đứt từng khúc ruột. Nhưng khi vợ chồng L bỏ nhau, pháp luật đã quyết định vợ thằng L là người trực tiếp nuôi con, thì chúng tôi phải chấp hành pháp luật. Điều này, nhiều lần tui cũng đã khuyên nhủ L...”

Phạm Thùy Chi