PGS.TS Nguyễn Đình Sơn

Năm nay bắt đầu vào mùa hè nhưng thời tiết đã diễn biến bất thường, nắng nóng gay gắt, là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại bệnh mùa hè bùng phát thành dịch. Trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm đến nay rải rác xảy ra một số bệnh, như tay chân miệng (TCM), sốt xuất huyết (SXH), thủy đậu… nhưng không thành dịch. Đáng mừng trong khi cả nước qua gần 5 tháng đầu năm 2018 xảy ra hơn 40.000 trường hợp mắc SXH thì ở Thừa Thiên Huế chỉ có 17 trường hợp; 2 trường hợp bệnh TCM; không có trường hợp tử vong, giảm gần 10% so với cùng kỳ năm 2017.

Bệnh dịch ở Thừa Thiên Huế được khống chế, nhưng rải rác vẫn còn xảy ra, ông có thể cho biết nguyên nhân do đâu?

Một số bệnh dịch thường gặp, như tiêu chảy; nguyên nhân do uống nước bị ô nhiễm, ăn thực phẩm bị ôi thiu, không bảo đảm vệ sinh, vệ sinh cá nhân không đầy đủ, không đúng cách, không gian sống không sạch sẽ. Bệnh thủy đậu lây truyền từ người sang người bằng tiếp xúc trực tiếp, qua các đồ vật bị nhiễm mầm bệnh từ dịch tiết đường hô hấp, dịch từ nốt phỏng thủy đậu, lây qua đường hô hấp do hít phải vi rút khi người bị bệnh thủy đậu nói, hắt hơi (nhảy mũi) hoặc ho làm nước bọt, nước mũi bắn ra ngoài.

Thời tiết nắng nóng còn có nguy cơ cao mắc bệnh SXH. Bệnh SHX hàng năm thường xảy ra với số lượng lớn trên địa bàn. Đây là bệnh lây truyền qua muỗi đốt. Hiện nay, bệnh SXH chưa có vắc xin phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu. Nếu phát hiện bệnh muộn hoặc không đưa đến cơ sở y tế kịp thời có thể dẫn đến sốc, xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa, tay tê liệt... dẫn đến khả năng tử vong cao, nhất là đối với trẻ em. Bệnh TCM là một bệnh nhiễm virút cấp tính, lây truyền qua đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ dưới 10 tuổi và thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Virút gây bệnh TCM có thể lây nhiễm từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, họng, nước bọt, chất dịch từ mụn nước, hoặc phân của người bị nhiễm bệnh. Bệnh TCM không lây truyền từ người tới vật nuôi và ngược lại.

Tiêm phòng, phòng ngừa dịch bệnh cho trẻ

Ngành y tế có những biện pháp gì để phòng, chống các dịch bệnh nói trên, thưa ông?

Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Y tế, của tỉnh, ngành y tế ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tập trung phòng, chống dịch thường xuyên không chủ quan lơ là trong mọi thời điểm.

Chúng tôi đang phối hợp với địa phương tiến hành kiểm tra các vùng, địa bàn trước đây thường xảy ra dịch để tiến hành khoang vùng, thu vét bọ gậy, phun chủ động diệt trừ ruồi, muỗi; phát động tổng vệ sinh môi trường đường làng ngõ phố, cơ quan, đơn vị trường học các cấp; đẩy mạnh việc rà soát kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm ở hàng quán, các bến xe, điểm bán hàng ăn lưu động ở cổng trường học, các bếp ăn tập thể (nhóm trẻ tham gia học hè; công ty, xí nghiệp ở làng nghề, khu công nghiệp...). Chủ động tuyên truyền việc tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ, đúng thời gian quy định để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh...

Các bệnh viện tuyến tỉnh và trung tâm y tế các huyện, thị xã chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện, thuốc men, hóa chất, khu vực cách ly, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống ngay khi phát hiện dịch bệnh xảy ra. Sẵn sàng tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân nhằm hạn chế thấp nhất tử vong do bệnh dịch…

Người dân thì cần phải làm gì để phòng ngừa các dịch bệnh trong mùa hè, thưa ông?

Để công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè được hiệu quả, ngoài nỗ lực của ngành y tế trước hết cần nêu cao ý thức của người dân. Thời tiết nắng nóng, người dân cần phải thực hiện ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tăng cường uống thêm nước, vệ sinh cá nhân sạch sẽ hàng ngày, thực hiện ăn chín, uống sôi, rửa tay với xà phòng trước khi ăn cũng như sau khi đi vệ sinh. Khi phát hiện bệnh không tự ý điều trị tại nhà mà đến ngay các cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời, tránh để bệnh lây lan ra cộng đồng. Người dân cần chủ động phòng, chống các dịch bệnh, tiêm đủ vắcxin phòng bệnh theo hướng dẫn của cán bộ y tế...

Minh Văn (thực hiện)