Trong ngày khởi động “Tháng vàng du lịch tại di sản Huế”, ông Ngô Hoà - UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã đánh giá rất cao ý tưởng, cũng như sự chủ động của Trung tâm BTDTCĐ Huế khi mở ra gói kích cầu này và tin tưởng đây sẽ là một trong những hoạt động tích góp phần cùng toàn tỉnh thu hút 2,5 - 3 triệu lượt khách trong năm 2013.

Du khách tham quan triển lãm bút phê của các hoàng đế nhà Nguyễn

“Tháng vàng du lịch” diễn ra trong suốt tháng 9, Trung tâm BTDTCĐ Huế đã triển khai nhiều hoạt động văn hoá hấp dẫn, kết hợp với dịp kỷ niệm 20 năm Quần thể di tích cố đô Huế, 10 năm Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO vinh danh. Nhiều cuộc triển lãm giới thiệu về di sản văn hoá đất Việt, di sản văn hoá Huế được tổ chức; trong đó, thu hút được sự quan tâm của du khách nhiều nhất là triển lãm giới thiệu 150 tài liệu bút phê của 10 vị hoàng đế trên Châu bản triều Nguyễn. Đây là hoạt động được Trung tâm BTDTCĐ Huế phối hợp với Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tổ chức và lần đầu tiên giới thiệu với công chúng chữ viết của 10 vị hoàng đế triều Nguyễn trong cùng một chủ đề.

Theo Trung tâm BTDTCĐ Huế, ngoài mức doanh thu gần 6 tỷ đồng mà đơn vị có được từ Tháng vàng du lịch, Trung tâm còn đón và phục vụ miễn vé gần 30 ngàn lượt khách nội địa trong ngày 2/9, TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế, nhấn mạnh: “Với kết quả này, chúng tôi hoàn toàn có thể khẳng định Tháng vàng dành cho du khách đã đạt được các yêu cầu đề ra, đạt hiệu quả cao cả về mục tiêu quảng bá hình ảnh di sản Huế và hiệu quả kinh tế. Tuy là lần đầu tổ chức nhưng nhờ có kinh nghiệm tổ chức 2 tuần lễ vàng trước đó (cuối năm 2012 và tháng 4/2013) nên chúng tôi đã khắc phục được những khó khăn trước mắt, đồng thời tranh thủ được nhiều điều thuận. Trong đó, đáng mừng nhất là sự đồng thuận và hợp tác của các ban, ngành liên quan, nhất là Sở VH-TT&DL, Hiệp hội Du lịch, Hiệp hội khách sạn và các đơn vị lữ hành, cùng sự hưởng ứng của du khách và người dân địa phương”.

Từ thành công của chương trình kích cầu này, TS. Phan Thanh Hải nói thêm: “Để các lần kích cầu sau đạt hiệu quả cao hơn, dĩ nhiên chúng tôi còn phải rút kinh nghiệm và điều chỉnh một số nội dung. Nhưng rõ ràng, để tổ chức tốt hơn thì yêu cầu về sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành càng phải cao hơn nữa. Mong các ngành liên quan ngày càng có thiện chí và hợp tác tốt hơn trên cơ sở cùng chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm, vì sự phát triển chung của ngành du lịch tỉnh nhà”.

Cần mở rộng tới nhiều điểm đến
 
Ông Nguyễn Quốc Thành, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên Huế:
 
“Tháng vàng du lịch tại di sản Huế” rất thành công, nhưng đó mới chỉ là thành công của riêng Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế. Để chương trình này tốt cho cả ngành du lịch tỉnh, cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các doanh nghiệp du lịch bởi vấn đề này ở Thừa Thiên Huế vẫn đang ở tình trạng đèn nhà ai nấy rạng.
Từ đợt kích cầu du lịch đầu tiên vào tháng 12/ 2012, Trung tâm BTDTCĐ Huế đã có những thay đổi mạnh mẽ trong việc tạo ra giá trị gia tăng cho điểm đến ngay trong bản thân các di tích, như phục dựng lễ Đổi gác, biểu diễn Tiểu nhạc, Đại nhạc... Đây là những việc làm rất tốt, tác động tích cực đối với điểm đến và hấp dẫn được khách. Theo tôi, tại khu vực Đại Nội, chúng ta vẫn còn có thể tạo ra được những sản phẩm khác - những sản phẩm mà cả ngành du lịch và đơn vị quản lý di tích cũng đã tính đến - nhưng tất cả mới chỉ dừng lại ở các sự kiện nổi bật như Fesstival Huế, mà chưa tạo ra được sự thường xuyên. Để tạo ra được sự thường xuyên thì cẩn phải có nguồn kinh phí rất lớn, mà bản thân di tích thì không đủ khả năng. Chính vì vậy, điều quan trọng là cần phải có sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp du lịch.
 
Cần tạo ra giá trị gia tăng điểm đến không chỉ ở Đại Nội mà còn những điểm đến khác, như lăng Tự Đức, lăng Minh Mạng... Đồng thời, cũng cần quan tâm đến môi trường xã hội tại các điểm đến. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để hấp dẫn du khách một cách bền vững.
 
Thu Thủy (ghi)

 

Đồng Văn