Sự thay đổi có thể trở nên đặc biệt nghiêm trọng ở Đông Nam Á, nơi gạo là một phần quan trọng trong chế độ ăn hàng ngày, theo bài viết trên tạp chí Science Advance.

Nông dân trồng lúa ở Myanmar. Ảnh: AFP

Đồng tác giả Adam Drewnowski, giáo sư dịch tễ học tại Đại học Washington cho biết, "sự nóng lên toàn cầu, biến đổi khí hậu và nhất là khí nhà kính carbon dioxide, có thể ảnh hưởng đến hàm lượng chất dinh dưỡng của nguồn thực vật mà chúng ta ăn vào. Điều này có thể có tác động tiêu cực đối với các nước tiêu thụ gạo, nơi khoảng 70% lượng calo và hầu hết các chất dinh dưỡng lấy từ gạo".

Nghiên cứu cho thấy, sự thiếu hụt protein và vitamin có nguy cơ dẫn đến chậm phát triển, gây dị tật bẩm sinh, tiêu chảy, nhiễm trùng và tử vong sớm. Theo đó, các nước có nguy cơ cao nhất tỏng khu vực là những nước tiêu thụ nhiều gạo nhất và có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thấp nhất, như Myanmar, Lào và Campuchia.

Những phát hiện này dựa trên các nghiên cứu thực địa tại Nhật Bản và Trung Quốc, mô phỏng lượng CO2 dự kiến ​​trong khí quyển vào nửa sau của thế kỷ này. Trong các thí nghiệm, 18 giống lúa khác nhau được trồng trên các cánh đồng mở, được bao quanh bởi các ống nhựa giải phóng thêm khí CO2. Theo đồng tác giả Kazuhiko Kobayashi, giáo sư tại Đại học Tokyo, thí nghiệm này được thiết kế để cho kết quả chính xác hơn là trồng lúa trong nhà kính.

Giáo sư Kobayashi cho biết, kỹ thuật này cho phép kiểm tra tác động của nồng độ CO2 cao hơn đối với cây trồng trong cùng điều kiện mà người nông dân thực sự sẽ trồng chúng trong vài thập kỷ tới.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng: sắt, kẽm, protein và vitamin B1, B2, B5 và B9, những chất giúp cơ thể chuyển hóa thức ăn thành năng lượng, tất cả đều giảm trong cây lúa được trồng trong điều kiện nồng độ CO2 cao hơn.

Cụ thể, mức độ Vitamin B1 (thiamine) giảm 17,1%, Vitamin B2 (riboflavin) giảm 16,6%, Vitamin B5 (acid pantothenic) giảm 12,7% vàVitamin B9 (folate) giảm đến 30,3%. Báo cáo cũng chỉ rõ, hàm lượng protein trung bình giảm 10,3%, sắt giảm 8% và kẽm giảm 5,1% so với hàm lượng có trong gạo được trồng ở điều kiện CO2 hiện tại.

Những thay đổi này liên quan đến việc nồng độ CO2 cao gây ảnh hưởng đến cấu trúc và tăng trưởng của cây trồng, tăng hàm lượng carbohydrate và giảm protein, khoáng chất.

Tuy nhiên, không phải tất cả các giống lúa đều có giá trị dinh dưỡng như nhau, điều này làm tăng hy vọng những nghiên cứu trong tương lai có thể giúp người nông dân phát triển các giống lúa có khả năng thích ứng tốt hơn với những thay đổi của khí quyển.

Trong một nghiên cứu riêng biệt vào năm ngoái, các nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard phát hiện ra rằng sự nóng lên toàn cầu sẽ làm giảm lượng protein trong một số loại thực phẩm chủ yếu, bao gồm gạo, lúa mì, lúa mạch và khoai tây. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có thêm 150 triệu người trên toàn cầu có thể có nguy cơ thiếu protein vào năm 2050.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ AFP & Indiaenvironmentportal)