Phát biểu sau cuộc họp Hội đồng Đối ngoại Liên minh châu Âu, Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini cho biết, các Ngoại trưởng EU đã đạt được một sự thống nhất hoàn toàn trên các vấn đề về giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel- Palestine, cũng như giải quyết những căng thẳng tại Jerusalem.
Các quan chức EU tại Hội nghị. Ảnh: AP |
Hội đồng Đối ngoại Liên minh châu Âu cũng đã thông qua các kết luận về tăng cường hợp tác an ninh với các đối tác chiến lược châu Á của khối này như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Thông cáo báo chí của cuộc họp giữa các ngoại trưởng EU tại Brúc-xen nêu rõ: "Hội đồng lưu ý rằng có những tiềm năng lớn để tăng cường hợp tác với các đối tác khác, cùng với ASEAN và các nước thành viên của hiệp hội này".
Theo thông cáo, các lĩnh vực then chốt được xác định để mở rộng hợp tác là an ninh hàng hải, không gian mạng, chống khủng bố, các mối đe dọa hỗn hợp, phòng ngừa xung đột, giải giáp vũ khí hóa học, sinh học và hạt nhân cũng như phát triển các dự án hợp tác khu vực khác.
Hội đồng nhấn mạnh vai trò cần thiết của việc hợp tác an ninh với các đối tác châu Á, thông qua các chương trình huấn luyện và xây dựng năng lực và khẳng định sẽ nỗ lực để hiện thực hóa khả năng này. Để mang lại hiệu quả và những tác động rõ nét, EU kêu gọi quá trình hợp tác cần được xây dựng phù hợp và sẽ huy động mọi nỗ lực của khối về an ninh cùng với các đối tác châu Á ưu tiên.
Về vấn đề thỏa thuận hạt nhân Iran, hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), Đại diện cấp cao EU Mogherini cho rằng, các biện pháp của EU nhằm bảo toàn thỏa thuận hạt nhân lịch sử này là vì những lo ngại về an ninh hơn là những vấn đề kinh tế.
Liên quan đến các cam kết kinh tế của EU đối với Iran, bà Mogherini nhắc lại đó không chỉ là lợi ích kinh tế mà quan trọng hơn là các lợi ích an ninh cho châu Âu. Bà Mogherini nói rằng, nếu không có thỏa thuận với Iran, an ninh của khu vực và EU sẽ bị đe dọa và nhấn mạnh không có cách nào khác để cải thiện các điều kiện an ninh trong khu vực nếu không triển khai thỏa thuận quan trọng này.
Bà Mogherini cho biết, theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Năng lượng nguyên tử quốc tế, Iran đang tuân thủ nghiêm túc các điều khoản của thỏa thuận và mặc dù sẽ rất khó khăn duy trì Thỏa thuận, nhưng các nước châu Âu quyết tâm thực hiện.
Quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề châu Âu của Đức Michael Roth cũng ủng hộ quan điểm này: “Hôm nay chúng ta phải gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng Liên minh châu Âu ủng hộ Thỏa thuận. Điều này nằm trong lợi ích an ninh tương lai. Không thể phủ nhận rằng Iran đã tuân thủ thỏa thuận. Chúng ta cần phải thảo luận biện pháp để ủng hộ Iran về tài chính và kinh tế trên cơ sở của Thỏa thuận”.
Mỹ đầu tháng này tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran và muốn tái áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn nhằm vào quốc gia Hồi giáo này. Tuy nhiên, các quốc gia châu Âu và Iran cho biết vẫn cam kết với thỏa thuận. Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Mogherini cho biết, không chỉ các nước châu Âu mà nhiều nước bắt đầu lên tiếng ủng hộ Thỏa thuận hạt nhân Iran, không tuân theo các biện pháp trừng phạt đơn phương do Mỹ đặt ra.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho rằng, có một sự đồng thuận trong cộng đồng quốc tế về việc ủng hộ thỏa thuận. Việc Mỹ quyết định rút khỏi thỏa thuận không ảnh hưởng tới sự đồng thuận này và chỉ khiến Mỹ bị cô lập hơn trên sân chơi quốc tế.
Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) hay còn được gọi là thoả thuận hạt nhân, được Iran ký kết với nhóm P5+1 gồm 5 nước thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức năm 2015. Theo đó, Iran chấp nhận hạn chế chương trình hạt nhân nước này để tránh các lệnh trừng phạt quốc tế.
Theo VOV