Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong chuyến thăm cấp Nhà nước đến Nhật Bản từ ngày 29/5-2/6. Ảnh: Internet

Trong chuyến thăm kéo dài 5 ngày, Chủ tịch nước dự kiến ​​có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, cũng như hội kiến Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko.

Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm quan hệ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản ở trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất và đạt được những tiến bộ đáng kể trên nhiều lĩnh vực như: chính trị-kinh tế, an ninh-quốc phòng, văn hóa - giáo dục, nông nghiệp, hợp tác địa phương, người lao động và giao lưu Nhân dân; nhất là sau khi mối quan hệ giữa hai quốc gia được nâng cấp lên thành quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á” hồi năm 2014.

Bên cạnh đó, trong năm nay, Nhật Bản và Việt Nam kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973–2018).

Theo tờ Nikkei, Chủ tịch nước đã đến thăm Nhật Bản 2 lần, nhưng đây là chuyến thăm cấp Nhà nước lần đầu tiên đến Nhật Bản trên cương vị Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tổng thư ký Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nhận định: "Đây sẽ là một cơ hội cực kỳ có ý nghĩa, nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai quốc gia".

Trong một cuộc phỏng vấn với các phóng viên của hãng thông tấn Nikkei trước thềm chuyến thăm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang ca ngợi những đóng góp của Việt Nam và Nhật Bản trong việc ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hồi tháng 3 vừa qua. Động thái được thực hiện bởi 11 quốc gia thành viên còn lại của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó có Nhật Bản và Việt Nam. Chủ tịch nước cũng khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực để khuyến khích Mỹ và các quốc gia khác tham gia CPTPP.

Theo Chủ tịch nước Trần Đại Quang, hiệp định thương mại CPTPP sẽ là động lực chính để Việt Nam mở rộng xuất khẩu; đồng thời lên tiếng hy vọng Nhật Bản, nền kinh tế lớn nhất trong 11 nền kinh tế thành viên CPTPP sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện hiệu quả hiệp định thương mại này.

Ngoài ra, Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ hy vọng Nhật Bản sẽ hỗ trợ Việt Nam nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng trong nước, cũng như các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tiếp cận vào thị trường Việt Nam.

Năm 2017, Nhật Bản trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư khoảng 9 tỷ USD, tương đương 25% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam.

Trong 3 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Nhật Bản đạt 8,7 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến cuối quý I vừa qua, Nhật Bản sở hữu hơn 3.600 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam, có tổng vốn đầu tư đăng ký gần 50 tỷ USD.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ Nikkei & Japan Times)