Mạ bảo, lo mà ăn cho có sức để học. Mạ cũng bảo, đừng quá lo lắng, khi nào cảm thấy học không “vô” thì tìm cách mà ngủ một giấc, đừng cố mà thức khuya, ngủ được một giấc là bằng cả uống 10 thang thuốc bổ đó. Mấy quả trứng, mạ đem luộc hay khuấy thành nước uống. Không có sữa và cũng chẳng có mật ong, mạ kiếm chanh đường, rồi đánh với trứng theo kiểu soda hột gà. Mỗi ngày tiêu chuẩn một ly. Tôi uống vào thấy người khỏe ra, cứ thèm được uống nữa và đầu óc hình như cũng trở nên minh mẫn hơn.

Sau này có dịp tìm hiểu tôi mới hay, trứng gà là loại thực phẩm tuyệt vời cho việc học hành, thi cử. Trong trứng gà có chất choline có vai trò quan trọng trong việc sản xuất các chất dẫn truyền thần kinh trong não, giúp điều chỉnh tâm trạng, hành vi và bộ nhớ. Nó cũng hỗ trợ cho sự tỉnh táo và cải thiện hiệu năng nhận thức. Chất này có trong cá, gan, đặc biệt là lòng đỏ trứng. Còn nữa, "não là tên tham ăn đường" để sinh năng lượng cho não hoạt động tích cực. Trong khi đó, chanh lại có chứa nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt là các loại vitamin C và B6 mà công dụng thì nhiều người tỏ tường.

Theo ý kiến của các chuyên gia ở Viện Dinh dưỡng Quốc gia, quá trình ôn thi tuyệt đối các sĩ tử không nên bỏ bữa ăn sáng. Sau một đêm dài, muốn có đầu óc minh mẫn để tập trung ôn luyện thì không có cách nào hơn là phải nạp năng lượng. Tuy nhiên, cũng theo các vị này, phải nhớ là không nên ăn quá no, bởi vì lúc đó máu sẽ tập trung về dạ dày và ruột để tiêu hóa lượng thức ăn thừa. Sau khi ăn, nên dành 30 - 60 phút cho việc đi dạo, tập hít thở sâu để cho não được nghỉ ngơi thực sự. Cận ngày thi, không nên ăn các thức ăn lạ khó tiêu hóa hoặc những loại thức ăn từng gây rắc rối đối với bản thân. Ngoài trứng gà (cũng chỉ nên mỗi ngày 1 quả như tôi ngày xưa thôi), cần chú ý tới các loại thực phẩm, như nấm, các loại cá, trái cây, sữa, sữa chua, rau xanh…

Ăn khó mà dễ. Nó ngược lại với chuyện ngủ. Lại nhớ về chuyện ôn thi ngày ấy của mình. Học một mình cũng chán, tôi kiếm bạn học chung. Anh bạn là lớp trưởng, biết lo xa, chuyện nào ra chuyện đó. Khác với tôi ngủ sớm dậy muốn, đêm nào anh cũng thức dậy sớm, khoảng 2 - 3 giờ sáng, tắm rửa đàng hoàng rồi chong đèn ngồi học. Ở chung với nhau, thấy anh học hành chăm chỉ thế nên cũng lo, nhờ gọi dậy sớm để cùng học. Năm lần bảy lượt, rồi tôi cũng có được một bữa dậy sớm như anh. Cũng bắt chước, anh làm chi mình làm theo nấy. Thế nhưng tôi vỡ mộng khi ngồi vào bàn học được khoảng vài chục phút là thấy anh ngủ gà ngủ gật. Vậy là đôi mắt cay xè, mình cũng ngủ luôn và từ đó không dám 11 -12 giờ đi ngủ và 2 -  giờ sáng đã lo dậy học bài.

Cũng là lời khuyên của những nhà khoa học, dù bề bộn đến đâu các sĩ tử cũng cố mà ngủ cho đủ giấc. Đừng để cơ thể bị “bỏ đói” ngủ; bởi nếu ngủ không đủ, các em sẽ khó tiếp thu bài tốt. Nếu thiếu ngủ, cơ thể sẽ tiêu hao nhiều năng lượng, giảm bài tiết hormon tăng trưởng, giảm ăn, ăn mất ngon, chậm tiêu, kéo dài sự kích thích vỏ não dẫn tới suy nhược hệ thần kinh và toàn cơ thể, từ đó sẽ giảm năng suất học tập. Khi nào thấy người mệt mỏi và buồn ngủ, đấy là tín hiệu báo bộ não cần nghỉ ngơi. Tốt nhất nên rời bàn học, chợp mắt khoảng 30 phút rồi học tiếp hoặc đi ngủ luôn nếu đã khuya rồi. Buổi tối nên học bài từ 7 giờ, ngủ trước lúc 23 giờ, sáng dậy sớm lúc 5 giờ học bài (lúc này học rất hiệu quả). Ngủ trưa từ 30 phút - 1 tiếng ; đảm bảo ngủ đủ 6 - 8 tiếng một ngày.

Bây giờ cuộc sống dư dả. Mấy năm trước con bé, thằng cu nhà tôi thi đại học, vợ tôi chăm kỹ việc ăn uống, xem ra cơ bản đáp ứng đầy đủ nhu cầu. Còn tôi, lại cứ nhớ tới quả trứng gà và lời dặn “một giấc ngủ còn hơn cả 10 thang thuốc bổ” của mạ.

Đan Duy