Biết bao lời cầu nguyện tìm kiếm thấy MH370 còn nguyên vẹn rồi chí ít cũng là vị trí của nó đã trở nên vô vọng. Ảnh: Reuteurs

Ngày 8/3/2014, chuyến bay mang số hiệu MH370 trên hành trình từ Kuala Lumpur (Malaysia) tới Bắc Kinh (Trung Quốc) với 239 người gồm hành khách và phi hành đoàn đã mất liên lạc với mặt đất. 

Một cuộc tìm kiếm quy mô lớn nhất trong lịch sử hàng không thế giới, do Úc dẫn đầu với sự tham gia của Trung Quốc và Malaysia, đã được tiến hành với chi phí lên đến 159,38 triệu USD trên diện tích 120.000km2 ở phía nam Ấn Độ Dương. 

Cuộc tìm kiếm đã phải dừng lại từ tháng 1/2017 sau gần 3 năm nỗ lực không ngừng nghỉ vì không đạt hiệu quả. Đã có những ý kiến cho rằng cuộc tìm kiếm rất quy mô và tốn kém nhưng… sai hướng dù đội ngũ khoanh vùng rất cẩn thận, dựa trên các số liệu phân tích của vệ tinh về khả năng đường bay của MH370 sau khi nó được chuyển hướng vào ngày 8-3 định mệnh cách đây hơn 4 năm. 

Hồi đầu năm nay do áp lực của các gia đình nạn nhân, chính quyền của Thủ tướng Najib Razak đã ký thỏa thuận với công ty tư nhân chuyên thăm dò đáy biển có tên Ocean Infinity - trụ sở tại Mỹ, nối lại hoạt động tìm kiếm MH370 hoặc các hộp đen của nó. 

Ocean Infinity tập trung tìm kiếm ở vùng mới rộng 25.000km2, nằm cũng ở nam Ấn Độ Dương nhưng lại tại phía bắc của khu vực mà nhóm tìm kiếm hỗn hợp trước đã quần thảo. 

Tàu Seabed Constructor, mang cờ hiệu Na Uy và được Ocean Infinity thuê lại, trang bị đến 8 thiết bị lặn ngầm không người lái có trang bị máy dò sóng âm, cùng các caméra và có thể xuống đến độ sâu 6km. 

Nhưng kết quả tìm kiếm nhiều tháng qua vẫn là con số 0. 

Đội tìm kiếm của Công ty tư nhân Ocean Infinity của Mỹ đưa thiết bị lặn không người lái xuống biển vào ngày 24/1/2018. Các thiết bị có khả năng đạt độ sâu đến 6km này cũng không thể đem lại tia hi vọng nào. Ảnh: AFP

Chính quyền tuyên bố chấm dứt nhưng người thân các nạn nhân vẫn không chịu dừng lại. 

Bà Grace Nathan, một luật sư người Malaysia có mẹ là bà Anne Daisy, hành khách trên MH370, tuyên bố việc chấm dứt tìm kiếm không khiến bà ngạc nhiên nhưng bà cho rằng chính quyền phải để ngỏ khả năng tìm kiếm cho công ty khác với nguyên tắc như đã thỏa thuận với Ocean Infinity là "tìm được mới lấy tiền". 

Nhóm các gia đình nạn nhân vẫn cho rằng mình đang bị che giấu điều gì đó hoặc các lực lượng tìm kiếm đã sai sót gì đó. Theo họ, không thể nào trong thời đại công nghệ quan sát, dọ thám bao trùm toàn cầu như hiện nay mà chiếc máy bay to đùng như thế lại có thể biến mất không chút dấu vết. 

Người thân các nạn nhân vẫn quyết tâm đeo đuổi để không ai được quên việc tìm kiếm MH370 và tìm ra câu trả lời về số phận lạ lùng của nó. Ảnh: AFP

Như ông Ghyslain Wattrelos, người Bỉ có vợ và hai con đi trên MH370, vừa mới trả lời trên Đài BFMTV rằng "từ ngày thứ năm sau vụ việc tôi đã tin rằng họ đang nói dối chúng tôi. Nếu nó bay theo lộ trình mà ta phỏng đoán thì phải có đến 7 nước phải trông thấy nó chứ. Cho dù nó có tắt hệ thống liên lạc và rađa dân sự không thấy thì rađa quân sự cũng phải phát hiện ra chứ, vì chúng được làm ra để phát hiện mọi loại máy bay mà. Thế mà họ lại bảo chẳng ghi nhận được gì". 

Giờ đây rất nhiều khả năng bí ẩn về số phận chuyến bay MH370 sẽ mãi mãi bị chôn vùi. Các gia đình nạn nhân rất lo sợ điều đó nhưng…

Theo Tuoitre