Hoạt động Festival Huế lần thứ X đã làm cho du lịch tỉnh hoạt động sôi nổi, tăng trưởng cao

Tăng trưởng cao

Nổi bật của tình hình kinh tế- xã hội 5 tháng đầu năm là hoạt động du lịch diễn ra sôi động với các lễ hội văn hóa, hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn, đặc biệt là thành công của Festival Huế lần thứ X đã góp phần thu hút khách du lịch. Tổng lượt khách đến Huế ước đạt 1.978 nghìn lượt khách, tăng gần 38% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế 878 nghìn lượt (tăng 64%), tổng khách lưu trú đạt 917 nghìn lượt (tăng 16%), doanh thu cơ sở lưu trú ước đạt 684 tỷ đồng (tăng 12,6% so cùng kỳ).

Tổng thu ngân sách ước đạt 2.461,5 tỷ đồng, bằng 36% dự toán năm, giảm 6% so với cùng kỳ; tổng chi ngân sách ước đạt 3.300,3 tỷ đồng, bằng 33,1% dự toán. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 6.700 tỷ đồng, bằng 33,5% kế hoạch năm, tăng 6,4% so cùng kỳ. Nguồn vốn doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục đầu tư vào một số dự án gấp rút hoàn thiện để đưa vào sử dụng như: Dự án Tổ hợp Trung tâm Thương mại Vincom Hùng Vương và Khách sạn 5 sao Vinpearl Huế; Dự án Manor Crown do Công ty cổ phần Bất động sản Minh Điền Vital làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, một số dự án thuộc nguồn vốn viện trợ thực hiện chậm do năng lực của các nhà thầu còn hạn chế, các phương án đưa ra chưa phù hợp với tình hình hình thực tế của địa phương nên phải điều chỉnh nhiều lần làm chậm thời gian.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao phát biểu kết luận tại phiên họp

 Đến cuối tháng 5/2018, có 291 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 2,8% so với cùng kỳ với vốn điều lệ đăng ký đạt 2.749 tỷ đồng, giảm 14,2%, nâng tổng số doanh nghiệp hiện có trên toàn tỉnh khoảng 6.500 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động 158 doanh nghiệp, giải thể 34 doanh nghiệp. Tiếp tục thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn; đã cấp mới 13 dự án với tổng vốn đăng ký 3.094 tỷ đồng. Đặc biệt, đã trao giấy chứng nhận tăng vốn đầu tư lên 2 tỷ USD để bổ sung kinh doanh casino cho Dự án Khu du lịch Laguna Lăng Cô; khai trương Trung tâm thương mại Vincom Huế.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 5 tháng ước đạt 358 triệu USD, tăng 10,4%, đạt 39% kế hoạch năm; giá trị nhập khẩu hàng hóa ước đạt 225 triệu USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 39,4% kế hoạch năm. Tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tháng 05/2018 tiếp tục phát triển ổn định. Các lĩnh vực nông- lâm- ngư nghiệp tăng trưởng khá. Tỉnh đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để công nhận thêm 8 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã nông thôn mới toàn tỉnh lên 31 xã.

Tăng cường chỉ đạo, điều hành

Năm 2018 sẽ đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở và cấp huyện

Theo Kế hoạch triển khai đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) thuộc tỉnh năm 2018 vừa được UBND tỉnh ban hành ngày 30/5, năm nay là năm đầu tiên tỉnh tổ chức cho doanh nghiệp đánh giá DDCI tại 22 sở, ban, ngành và 9 huyện, thị xã, thành phố. Theo đó, DDCI sẽ là công cụ đánh giá chất lượng năng lực điều hành và kết quả bộ chỉ số này sẽ được dùng làm thước đo để UBND tỉnh đánh giá năng lực điều hành kinh tế của chính quyền các huyện, thị xã, thành phố, các sở ban, ngành và chấm điểm thi đua vào cuối năm. Mục tiêu nhằm tăng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) lên trên 4 điểm và phấn đấu năm 2018 Thừa Thiên Huế nằm trong nhóm xếp hạng tốt hoặc khá.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao nhấn mạnh, nhằm thực hiện tốt mục tiêu và các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, thời gian tới công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương cần tập trung vào nhiệm vụ chủ yếu của UBND tỉnh đề ra ngay từ đầu năm. Trong đó, giải quyết dứt điểm những vấn đề còn tồn đọng, tập trung duy trì đà tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh.

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, các sở, ban, ngành, địa phương cần bám sát kịch bản tăng trưởng của năm 2018 theo từng quý, có biện pháp chỉ đạo quyết liệt, cụ thể, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng đề ra. Cần xây dựng quy hoạch tổng thể Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô, quy hoạch đầm phá Tam Giang- Cầu Hai, quy hoạch phát triển du lịch Bạch Mã, quy hoạch 2 bờ sông Hương… Cùng với đó, chú trọng cho dự án mở rộng sân bay Phú Bài, cảng Chân Mây, đê chắn sóng, nạo vét đầm Lập An (Lăng Cô). Chuẩn bị các đề án trình HĐND tỉnh lần thứ 6 như: dịch vụ đô thị thông minh, một số chính sách xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục- đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường…; tổ chức triển khai các nhiệm vụ theo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh; triển khai có hiệu quả các giải pháp tăng thu, đảm bảo nguồn thu ngân sách; quản lý chặt chẽ chi ngân sách, tiết kiệm; thực hiện đồng bộ các giải pháp cần thiết đảm bảo tiến độ giải ngân. Có kế hoạch thực hiện hiệu quả Nghị quyết T.W 6 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp bộ máy tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp công lập.

Về lĩnh vực an sinh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục thực hiện chính sách vốn vay ưu đãi tín dụng, tạo điều kiện vay vốn cho ngư dân nâng cấp, đóng mới tàu thuyền hiện đại ra khơi đánh bắt xa bờ nhằm khai thác thủy sản bền vững và bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Thực hiện kịp thời các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là chính sách đối với người có công, chính sách giảm nghèo và đào tạo việc làm cho người lao động nông thôn. Triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình nông thôn mới; thực hiện tốt chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và chăm sóc sức khỏe cho hộ gia đình chính sách, hộ nghèo. 

Bài, ảnh: Thái Bình