Đường sá được mở rộng, mấy bụi tre trước cổng nhà cũng bị bứng gốc, san phẳng. Không còn nghe tiếng thân tre cọ xát mỗi khi mùa gió đến hay những ngày hè lá rụng vàng hiên và cũng chẳng được tự tay bẻ từng đọt măng non mang cho mẹ nấu, chị em tôi ngày nào cũng nhắc nội, nhắc mẹ. Thương con, thương cháu vì chúng nhớ tre, nhưng vì không còn đất để trồng nên nội tôi chỉ biết cười ôm cháu vỗ về. Mỗi lúc có dịp ngang qua bụi tre nào trong làng là chị em tôi liền dừng lại, quyết “tuốc” cho được vài đọt lá non nhỏ chưa bung để về chơi, về ngoáy tai, chọc mũi, hay cắn phần non đầu lá để nếm vị đăng đắng, bùi bùi nơi đầu lưỡi.

Nhiều người bảo, ngoài sen, cây tre được ví như biểu tượng, hình bóng của đất nước Việt Nam. Nên tôi lại ganh tỵ vì sen đang được người nông dân trồng ngày một nhiều vì lợi ích kinh tế, nhưng những bụi tre non, tre già thì đang dần dần bị thay thế bởi nhà cửa, cổng, tường rào bê tông, đường nhựa... Tôi lại ganh tỵ vì ngày xưa mình còn tự hào và dễ hình dung được dáng tre, thân tre qua bài giảng “Tre Việt Nam” mà cô giáo dạy văn cứ ôn đi ôn lại, nhưng giờ thế hệ con chúng tôi lại hiếm khi được thấy thân tre, thưởng thức hương vị lá tre non thế nào, tiếng tre xào xạc, phả luồng gió mát ra sao.

May mắn khi tôi lại được bắt gặp hình bóng bà thong dong quét lá tre bên con phố sầm uất của thành phố. Một dãy tre vừa đem lại không khí mát mẻ cho cả xóm và còn làm đẹp thêm những ngôi nhà kề cận. Khóm tre chung, nhưng nhà nào cũng được tận hưởng. Những thảm lá tre vàng rụng lại được bà tém gọn, đốt lên phảng phất mùi khói  thơm nồng, chẳng gây khó chịu cho ai chút nào.

Bà bảo, quét vừa để thể dục vừa làm sạch nhà, sạch xóm, lại giúp cho các chị lao công được về sớm với gia đình thêm vài phút. Ngoại trừ lúc mưa, hôm nào ráo trời hay xế chiều mùa hè là bà đều mang chiếc chổi rành ra quét lá tre như một thú vui cho vơi bớt nỗi nhớ quê, nơi bà đã từng gắn bó với tuổi thơ, gia đình, bạn bè để cùng lên phố sum họp với con cháu.

Hoài Nguyên